Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2020 về nâng cao chất lượng, năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 174/KH-UBND
Ngày ban hành 21/10/2020
Ngày có hiệu lực 21/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 21 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, NĂNG LỰC, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ định hướng chỉ đạo của Trung ương về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và yêu cầu thực tiễn phát triển hợp tác xã nông nghiệp phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện nâng cao chất lượng, năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp (HTX) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 với nội dung như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN, THỰC TRẠNG VỀ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Kết quả phát triển, thực trạng Hợp tác xã nông nghiệp

Những năm qua dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự quan tâm, ủng hộ của người dân HTX nông nghiệp trên địa bàn đã có những bước phát triển, chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả kinh tế đóng vào sự phát triển chung nền kinh tế tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 208 HTX nông, lâm, nghiệp, thủy sản, chiếm 69,3% trong tổng số HTX toàn tỉnh. Phân loại theo lĩnh vực hoạt động chính: có 17 hợp tác xã chăn nuôi, 97 hợp tác xã trồng trọt, 79 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, 14 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Tổng số vốn đăng ký của các HTX là 181 tỷ đồng, bình quân 870 triệu đồng/HTX, với 3.328 thành viên tham gia, bình quân 16 thành viên/HTX. Đa số các HTX nông nghiệp là các HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp. Tổng số cán bộ quản lý HTX nông nghiệp là 498 người, trong đó: số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp là 278 người; số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 122 người; số cán bộ quản lý HTX chưa qua đào tạo 98 người. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo HTX dần được trẻ hóa, năng động, có trình độ chuyên môn dần đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành HTX.

Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Kết quả rà soát, đánh giá, phân loại và tự xếp loại HTX theo các bước và biểu mẫu quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT trên địa bàn tỉnh có 137 HTX được đánh giá xếp loại, trong đó có: 57 HTX hoạt động khá tốt; 61 HTX hoạt động trung bình; 19 HTX hoạt động yếu; 71 HTX không đánh giá (do mới thành lập hoặc ngừng hoạt động).

Những năm gần đây số HTX được thành lập mới tăng qua các năm, bình quân tăng từ 15 - 20 HTX/năm. Đã có 02 liên hiệp HTX được thành lập để tạo liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, chuyên canh. Nhiều HTX nông nghiệp đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng, nhà kho, mở rộng thị trường kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, áp dụng các quy trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, tạo bước đột phá nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Quy mô sản xuất của HTX ngày càng được đầu tư mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, khai thác được tiềm năng lợi thế phát triển sản phẩm có tính đặc thù, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, theo chuỗi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ bền vững, góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Xu hướng tham gia vào HTX của các hộ ở các địa phương ngày càng tăng, cho thấy nhận thức của người dân đang thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; HTX đã đang phát huy vai trò tham gia tạo việc làm, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng tình làng, nghĩa xóm ở địa phương; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất người dân trên địa bàn.

2. Khó khăn, hạn chế yếu kém

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo phát triển HTX nông nghiệp ở một số ngành, địa phương còn mang tính chiếu lệ, hình thức, chưa quan tâm đúng mức. Năng lực của HTX còn yếu; điều kiện triển khai các hoạt động, đặc biệt là mặt bằng, vốn, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất; trình độ quản lý của cán bộ HTX còn yếu do đó số HTX hoạt động có hiệu quả chưa nhiều; một số HTX còn lúng túng, định hướng hoạt động chưa rõ ràng, lợi ích đem lại cho thành viên chưa nhiều, chưa đáp ứng được các nhu cầu của thành viên, nên một số bộ phận thành viên thiếu gắn bó với HTX; trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu, thiếu kỹ năng quản lý và kinh doanh, chưa chủ động nghiên cứu, khai thác các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, vẫn còn tâm lý trông chờ ỷ lại; sự liên kết trong sản xuất kinh doanh của các HTX với doanh nghiệp và các HTX khác chưa nhiều và chưa được chặt chẽ, hiệu quả thấp.

- Việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đẩy mạnh phát triển HTX còn hạn chế; nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển HTX chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn vốn huy động từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, do mô hình phát triển HTX chưa thực sự hấp dẫn.

- Bộ máy và năng lực cán bộ chuyên trách quản lý Nhà nước về hợp tác xã ở một số nơi còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, còn lúng túng, thiếu định hướng. Việc chỉ đạo, thi hành Luật HTX và một số chính sách đã ban hành chưa kịp thời. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu; việc nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX có nơi, có lúc còn chưa kịp thời.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể chưa thường xuyên, sâu rộng; nhận thức trong một bộ phận Nhân dân về phát triển HTX còn hạn chế.

- Phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động với quy mô nhỏ, năng lực kinh doanh, trình độ quản lý hạn chế, tổ chức hoạt động theo thói quen, không có phương án kinh doanh khả thi nên khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Phong trào phát triển thành lập mới HTX còn mang tính hình thức, không thực chất, thành lập để có với mục đích đạt tiêu chí số 13- Tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

II. MỤC TIÊU ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN HTX NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Mục tiêu chung

Phát triển nhanh về số lượng HTX nông nghiệp ở tất các các huyện, thành phố, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX để từ đó phát triển sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn theo hướng tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của HTX gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Triển khai thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên và người lao động trong HTX, liên hiệp HTX.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới từ 60 HTX trở lên (bình quân mỗi năm 15 HTX), 04 liên hiệp HTX. Số HTX hoạt động có hiệu quả thuộc loại khá, tốt đạt 45%, không còn HTX mang tính hình thức; số HTX hoạt động yếu kém giảm dưới 10%. Phấn đấu ở tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới có các mô hình HTX đạt loại khá trở lên.

- Hằng năm, đóng góp vào GRDP của các HTX ước đạt 1%-2% GRDP toàn tỉnh.

- Xây dựng được từ 25 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp có HTX tham gia để chuẩn hóa sản phẩm OCOP.

- 100% cán bộ chủ chốt HTX được bồi dưỡng bổ sung các kiến thức về HTX, quản trị kinh doanh và pháp luật có liên quan.

- Số HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX là 70 HTX.

- Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX, Liên hiệp HTX đạt từ 50-70 triệu đồng/năm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật hợp tác xã để 100% các HTX hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

[...]