Kế hoạch 1709/KH-UBND năm 2024 triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do tỉnh Hải Dương ban hành

Số hiệu 1709/KH-UBND
Ngày ban hành 10/05/2024
Ngày có hiệu lực 10/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Minh Hùng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Bảo hiểm

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1709/KH-UBND

Hải Dương, ngày 10 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRONG CÔNG TÁC CHI TRẢ LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP BHXH TRÊN NỀN CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ

Căn cứ Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; Công văn số 885/BHXH-TCKT ngày 02/4/2024 của BHXH Việt Nam về việc thực hiện Quy trình phối hợp triển khai phát triển TTKDTM trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở quốc gia về dân cư (kèm theo Quy trình phối hợp 2286/C06-TCKT ngày 22/3/2024 giữa Bộ Công an và BHXH Việt Nam phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư);

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH); trợ cấp thất nghiệp (TCTN) trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả chế độ BHXH, TCTN qua phương thức không dùng tiền mặt, phấn đấu sớm thu hẹp với mức bình quân chung của cả nước theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

b) Góp phần xây dựng chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, đảm bảo chi trả các chế độ BHXH, TCTN kịp thời, nhanh chóng, minh bạch, công khai; nâng cao chất lượng phục vụ người hưởng chế độ BHXH, TCTN góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

c) Rà soát, xác thực người hưởng, tình trạng người hưởng để đảm bảo quản lý người hưởng chặt chẽ; chi trả đúng người, đúng chế độ; tránh lạm dụng trục lợi quỹ BHXH.

d) Nâng cao năng lực cho các cán bộ, hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách và chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến người hưởng không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý đối với các công tác liên quan đến chi trả cho người hưởng chế độ BHXH, TCTN.

b) Quy trình chi trả phải đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, sử dụng tập trung vào nhóm người hưởng đang sinh sống tại các vùng đô thị.

c) Sự quan tâm chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện.

d) Khuyến khích người hưởng chế độ BHXH, TCTN nhận qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người hưởng.

e) Đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ cho việc chi trả không dùng tiền mặt.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐƠN VỊ THAM GIA THỰC HIỆN

1. Phạm vi: Triển khai thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho người hưởng chế độ BHXH, TCTN trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

2. Đối tượng: Người hưởng chế độ BHXH, TCTN; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chi trả.

3. Đơn vị tham gia thực hiện

Tổ công tác Đề án 06 tỉnh; Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các sở, ngành, đơn vị liên quan; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Tổ chức dịch vụ chi trả.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền để người hưởng chế độ BHXH, TCTN nắm được chủ trương, phương thức triển khai; tạo sự đồng thuận của nhân dân và người hưởng (thực hiện thường xuyên)

Đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; tuyên truyền tính thiết thực về quy trình, thủ tục thực hiện, các dịch vụ, ưu đãi của ngân hàng, tính ưu việt của việc thanh toán không dùng tiền mặt; khẳng định quyền an sinh xã hội của người dân với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi số góp phần vào công tác quản lý người hưởng chế độ BHXH, TCTN bảo đảm số tiền chi trả đúng người hưởng, nhanh chóng, kịp thời.

2. Tổ chức rà soát dữ liệu, vận động người hưởng nhận tiền qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt

2.1. Trích xuất phân loại dữ liệu (hoàn thành trước ngày 15/5/2024)

BHXH tỉnh phối hợp với Công an tỉnh để trích xuất dữ liệu người hưởng chế độ BHXH hàng tháng với dữ liệu quốc gia về dân cư theo hai nhóm: Đã trùng khớp và chưa trùng khớp dữ liệu.

- Đối với dữ liệu đã trùng khớp giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội: Chuyển tổ công tác để rà soát, xác minh tình trạng người hưởng, vận động chuyển sang nhận tiền qua hình thức không dùng tiền mặt;

[...]