BỘ GIÁO DỤC VÀ
ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 161/KH-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 02 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG TRƯỜNG HỌC NĂM 2013
Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8
năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm
trật tự an toàn giao thông; Kế hoạch số 09/KH-UBATGTQG ngày 22/01/2013 của Chủ
tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc triển khai công tác bảo đảm trật
tự an toàn giao thông năm 2013; Chỉ thị số 52/2007/CT-BGDĐT ngày 31/8/2007 của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao
thông trong các cơ sở giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển
khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2013 như sau:
I. Mục đích
1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục
an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và
giải pháp của ngành giáo dục được giao tại Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ.
2. Nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao
thông trong học sinh, sinh viên năm 2013. Góp phần giảm thiểu vi phạm an toàn
giao thông, tai nạn giao thông trong phạm vi cả nước.
II. Yêu cầu
1. Bám sát nội dung, yêu cầu của Nghị quyết số
88/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch triển khai công tác của Ủy ban An toàn giao
thông Quốc gia năm 2013, kết hợp giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại
khóa, lồng ghép giáo dục an toàn giao thông với các cuộc vận động, các phong
trào thi đua lớn của Ngành và các hoạt động của nhà trường.
2. Tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của các tổ
chức trong trường, đặc biệt là các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp
Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt
Nam trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông
cho học sinh, sinh viên.
3. Bổ sung, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo cho
công tác giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường; tăng cường các hình thức
tổ chức như ứng dụng công nghệ thông tin, băng đĩa, phim ảnh, tiểu phẩm,… để
nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục an toàn giao thông.
III. Nội dung phổ biến, tuyên
truyền, giáo dục
1. Bảo đảm trật tự an toàn giao
thông đường bộ
Giáo dục học sinh, sinh viên nắm vững các quy định
của pháp luật khi tham gia giao thông, với các nội dung trọng tâm là:
a. Bậc mầm non
- Làm quen với một số phương tiện giao thông: đường
bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.
- Ngồi trên xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy, tàu hỏa,
thuyền an toàn; đi bộ an toàn.
- Tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo hiệu giao
thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn)
về mầu sắc, hình dạng, quy định.
b. Bậc tiểu học
- Đi bộ trên đường an toàn, đi bộ qua đường an
toàn, đi xe đạp trên đường an toàn.
- Ngồi trên xe đạp, xe máy an toàn, an toàn khi đi
ô tô, xe buýt.
- Hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh
và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của CSGT.
- Văn hóa giao thông.
c. Bậc trung học cơ sở
- Đi bộ qua đường ở nơi không có biển chỉ dẫn, đi
xe đạp trên đường an toàn, qua đường ở nơi đường bộ giao nhau với đường sắt.
- Quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi mô tô, xe gắn
máy.
- Hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh
và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của CSGT.
- Tình huống giao thông nguy hiểm, học
sinh làm gì để phòng tránh tai nạn giao thông.
- Văn hóa giao thông.
d. Bậc trung học phổ thông
- Độ tuổi của người điều khiển mô tô, xe gắn máy.
- Quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi mô tô, xe gắn
máy.
- Nhận thức về tình hình TNGT, hậu quả của TNGT.
- Chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, tình huống
khi tham gia giao thông, phòng tránh TNGT, hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia
giao thông.
- Văn hóa giao thông.
e. Bậc đại học và trung cấp chuyên nghiệp
- Quy định về điều kiện được điều khiển mô tô, xe gắn
máy.
- quy định về nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi
thở khi điều khiển mô tô, xe gắn máy.
- Phổ biến cho học sinh, sinh viên các kiến thức về
bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải,
nguy cơ tai nạn và hậu quả phải gánh chịu khi vi phạm.
- Văn hóa giao thông.
2. Bảo đảm trật tự an toàn giao
thông đường sắt
Tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện
nghiêm túc quy định về việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là
các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao
thông đường sắt, tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch các công trình, thiết bị báo
hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc
làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; không vượt qua đường ngang khi đèn đỏ
đã bật sáng, vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh, để vật chướng
ngại, chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và
hành lang an toàn giao thông đường sắt.
- Không đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu
máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy,
nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và
các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy; đi, đứng, nằm, ngồi trên
đường sắt, ném đất, đá hoặc các vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống.
3. Bảo đảm trật tự an toàn giao
thông đường thủy nội địa
Tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên khi đi
đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh; chấp hành nghiêm
túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện.
IV. Nhiệm vụ trọng tâm
1. Nhiệm vụ của các sở giáo dục
và đào tạo
- Phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu
cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành các quy định
và điều kiện đảm bảo cho công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh,
sinh viên.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên
địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục an toàn giao
thông cho học sinh, sinh viên.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện
và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trực thuộc triển khai thực hiện hoạt động
tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
- Chỉ đạo quyết liệt các nhà trường triển khai họp
với phụ huynh học sinh để tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết việc không giao xe
máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học
sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.
- Quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những
trường hợp học sinh vi phạm an toàn giao thông để răn đe, giáo dục học sinh và
thông báo cho tất cả phụ huynh biết để cùng thực hiện; giao cho giáo viên chủ
nhiệm nhắc nhở, có hình thức kiểm tra, giám sát hàng ngày đối với học sinh, đồng
thời quy định rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong việc triển khai
và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.
- Tổ chức tập huấn cho giáo viên; rà soát lại
chương trình, nội dung, phương pháp, thời lượng giảng dạy về trật tự an toàn
giao thông đang thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy
định hiện hành.
- Tăng cường kiểm tra, đánh giá, đôn đốc thực hiện,
kịp thời biểu dương, khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm các trường hợp vi phạm.
2. Nhiệm vụ của cơ sở giáo dục
phổ thông và giáo dục thường xuyên
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động
tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông
đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa cho học sinh theo kế hoạch của Sở Giáo
dục và Đào tạo.
- Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy an toàn
giao thông trong trường học; lấy thái độ, hành vi về thực hiện an toàn giao
thông của học sinh là tiêu chí đánh giá rèn luyện, xếp loại.
- Phụ huynh học sinh ký cam kết với nhà trường
trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe và đội
mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao
thông.
- Giao cho giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, có hình thức
kiểm tra, giám sát hàng ngày đối với học sinh. Nhà trường chỉ đạo các tổ chức
Đoàn, Đội tham gia công tác giáo dục an toàn giao thông và nắm bắt tình hình thực
hiện các quy định về an toàn giao thông của học sinh; đưa các tình huống xảy ra
khi tham gia giao thông để học sinh thảo luận và đề ra phương án giải quyết
trong các giờ sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoại khóa.
- Có quy định cụ thể việc đội mũ bảo hiểm và việc
tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông cho học sinh, xử lý kỷ luật phù hợp với
những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục học sinh và thông báo cho tất cả
phụ huynh biết để cùng phối hợp thực hiện.
- Phối hợp với các ban, ngành liên quan của địa
phương xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và tổ chức các buổi phổ
biến, tuyên truyền trực tiếp pháp luật về an toàn giao thông, tập trung vào các
nội dung: các lỗi vi phạm thường gặp khi tham gia giao thông; nguyên nhân các vụ
tai nạn, ùn tắc giao thông; các kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
- Các trường trung học phổ thông triển khai quyết
liệt không để xảy ra tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia
giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, chưa có
giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường và nhắc nhở học
sinh mặc áo phao khi đi đò.
- Thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy an toàn
giao thông theo quy định, chỉ đạo giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục an toàn
giao thông trong các môn học và các hoạt động của nhà trường.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ
chức hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường giờ cao điểm; bố trí giờ học, giờ
tan trường hợp lý để tránh ùn tắc giao thông; tùy điều kiện của trường, phối hợp
với phụ huynh học sinh tổ chức xe đưa đón học sinh; vận động học sinh hạn chế sử
dụng phương tiện giao thông cá nhân;
3. Nhiệm vụ của cơ sở
giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
- Quán triệt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh
viên thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển
phương tiện tham gia giao thông; quy định về đội mũ bảo hiểm, không điều khiển
xe khi chưa có giấy phép lái xe.
- Vận động học sinh, sinh viên thực hiện các hành
vi văn hóa khi tham gia giao thông gồm: tự giác chấp hành pháp luật về an toàn
giao thông; chủ động nhường đường; thân thiện với người đồng hành; không nói tục,
chửi bậy, không hút thuốc lá và vứt rác bừa bãi; không điều khiển phương tiện
khi đã uống rượu, bia; hạn chế sử dụng còi nơi đông người; sẵn sàng giúp đỡ người
bị tai nạn giao thông; mặc áo phao khi đi đò.
- Tuyên truyền sâu giáo dục an toàn giao thông
trong tuần sinh hoạt công dân đầu năm học, đầu khóa học và cuối khóa học cho học
sinh, sinh viên.
- Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm chuyên đề về các
hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, về nguyên nhân các vụ tai nạn giao
thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các
báo Đoàn, Hội và Website của nhà trường.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa, viết
bài, tuyên truyền qua phát thanh nội bộ về an toàn giao thông.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Đoàn
thanh niên, Hội sinh viên thành lập các nhóm, đội thanh niên tình nguyện, thanh
niên xung kích đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức cho học sinh, sinh viên tham
gia các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường và hoạt
động tình nguyện của địa phương về an toàn giao thông.
- Thành lập ban chỉ đạo an toàn giao thông cấp trường
đối với các nhà trường có số lượng từ 5.000 sinh viên trở lên, Ban chỉ đạo do một
đồng chí trong Ban giám hiệu làm trưởng Ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo
các đơn vị liên quan và các tổ chức đoàn thể trong trường.
- Các trường sư phạm nghiên cứu đưa giáo dục an
toàn giao thông vào chương trình chính khóa theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị
quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 về tăng cường thực hiện các giải
pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
- Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục
an toàn giao thông cho học sinh; đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các hình thức
giáo dục an toàn giao thông ngoại khoá cho học sinh như: tổ chức lễ ra quân,
các hoạt động sân khấu hóa, hội thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ và lái xe
mô tô an toàn…
4. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị chủ động
xây dựng kế hoạch hoạt động và chỉ đạo, đôn đốc các sở, các nhà trường triển
khai thực hiện.
- Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình, tài liệu, thiết
bị phục vụ giảng dạy an toàn giao thông phù hợp với cấp học và chương trình
giáo dục.
- Nghiên cứu, đưa chương trình giáo dục an toàn giao thông
vào giảng dạy trong các trường (khoa) sư phạm.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn,
nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ phụ trách công tác giáo dục an toàn giao thông.
- Tập huấn cho cán bộ giảng dạy của các trường
(khoa) sư phạm về tài liệu ngoại khóa và phương pháp giảng dạy.
- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc thi “Giao thông thông
minh” trên Internet cho học sinh tiểu học, THCS.
- Tổ chức hội thảo đánh giá về công tác giáo dục
ATGT trong trường học và tài liệu, chương trình của các cấp học.
- Kiểm tra, đánh giá, đôn đốc một số cơ sở giáo dục
về công tác giáo dục ATGT trong trường học trong toàn quốc.
- Biên soạn sách tham khảo về văn hóa giao thông
cho học sinh tiểu học và học sinh phổ thông.
- Biên soạn tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu,
đĩa tuyên truyền ATGT trong trường học.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức
triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông
trong nhà trường.
- Phát động và tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật giao
thông đường bộ và lái xe mô tô an toàn cho học sinh, sinh viên các trường ĐH,
CĐ, TCCN trên phạm vi toàn quốc.
- Phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á,
Quỹ Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam triển khai các hoạt động tuyên
truyền, giáo dục ATGT trong nhà trường cho các cấp học.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường triển khai công
tác giáo dục ATGT trong HSSV năm học 2013-2014 và trong dịp tết nguyên đán, nghỉ
hè, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ…
- Thực hiện Hợp phần giáo dục ATGT đường bộ trong
nhà trường (thuộc dự án ATGT đường bộ vốn nay World Bank và vốn vay
Jica).
V. Tổ chức thực hiện
1. Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và
Đào tạo: Giúp Bộ trưởng đôn đốc, phối hợp thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng
hợp tình hình báo cáo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao
thông Quốc gia theo quy định; làm đầu mối và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo ký
kết hợp đồng, thanh lý hợp đồng và dự toán kinh phí giáo dục an toàn giao thông
năm 2013 với đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
2. Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo: chịu trách nhiệm
giám sát chi tiêu các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo về nội dung công việc
theo đúng quy định của Nhà nước.
3. Các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục
đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào nội quy nhà
trường và là một trong các nội dung đánh giá thi đua năm học. Biểu dương, khen
thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo đảm trật
tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân vi phạm.
4. Các sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch, chỉ
đạo các trường trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo tình hình và kết
quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Vụ Công tác học sinh, sinh viên trước
30/6 và 15/12/2013.
5. Các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng
và trung cấp chuyên nghiệp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện; báo cáo tình
hình và kết quả thực hiện các nội dung trên về Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Vụ
Công tác HSSV trước ngày 30/6 và 15/12/2013.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- UBATGTQG (để b/c);
- Các Sở GD&ĐT (để th/h);
- Các Đại học, học viện (để th/h);
- Các trường ĐH, CĐ, TCCN (để th/h);
- Các Vụ: GDMN, GDTH, GDTrH,
GDTX, GDCN, GDĐH (để th/h);
- Văn phòng Bộ;
- Lưu VT, Vụ CTHSSV.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Quang Quý
|