Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 160/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 160/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2022
Ngày có hiệu lực 16/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Nguyễn Tuấn Hà
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 16 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ TRẺ EM TƯƠNG TÁC LÀNH MẠNH, SÁNG TẠO TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG, GIAI ĐOẠN 2022-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn tỉnh, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Bảo vệ và tôn trọng thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

b) Trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, bao gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

c) Truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

d) Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đảm bảo các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng.

đ) Phổ cập Hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, những kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

b) 100% trẻ em trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ pháp lý trong trường hợp trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.

c) Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khi bị tố giác, bị phát hiện vi phạm các quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

d) Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số, đơn vị xây dựng và phát triển nền tảng trực tuyến phân loại nội dung phù hợp với các độ tuổi của trẻ em; triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em quản lý việc sử dụng ứng dụng, dịch vụ của trẻ em trên môi trường mạng.

II. NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI

1. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, quy định của pháp luật về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng

a) Triển khai đầy đủ các quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về bảo vệ, giáo dục và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, trong đó lấy trẻ em làm trung tâm.

b) Triển khai kịp thời Quyết định số 830/QĐ-TTg gắn với việc thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh: Kế hoạch số 2257/KH-UBND ngày

18/3/2020 về triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 2818/KH- UBND ngày 05/4/2021 về triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 11017/KH-UBND ngày 09/11/2021 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2030…

2. Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng

a) Tổ chức các hoạt động truyền thông ở quy mô toàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc thực hiện lồng ghép chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng với các chương trình hành động vì trẻ em, các chương trình bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh; thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin và khả năng tự phát hiện, tố cáo các hành vi có nguy cơ xâm hại khi tham gia môi trường mạng; đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng gần gũi, sinh động để thu hút sự quan tâm của trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua Internet và mạng xã hội. Tăng cường hiển thị trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện và truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về số điện thoại đường dây nóng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh (số 02623.951.567) và địa chỉ liên hệ của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ quan, đơn vị bảo vệ chăm sóc trẻ em, các tổ chức tư vấn, cứu trợ khẩn cấp.

b) Lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi sử dụng Internet, mạng xã hội; cách thức tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị xâm hại trên môi trường mạng; đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường; phấn đấu trong mỗi năm học, các trường phổ thông bố trí ít nhất 01 buổi ngoại khóa để trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi sử dụng Internet.

c) Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, công nghệ thông tin, kỹ năng tương tác trên môi trường Internet, mạng xã hội cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, giáo viên các trường học, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

3. Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ

a) Thiết lập và thông tin, tuyên truyền về các kênh thông tin tiếp nhận phản ánh về các hình ảnh, video, nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

b) Nghiên cứu, đưa các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử vào sử dụng trong ngành giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh; khai thác sử dụng các phần mềm, ứng dụng, nền tảng giáo dục số sẵn có của Bộ Giáo dục và Đào tạo để kết nối, sử dụng; phát huy hiệu quả các dự án, đề án trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, góp phần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong ngành giáo dục.

[...]