Kế hoạch 16/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017 do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 16/KH-UBND
Ngày ban hành 11/01/2017
Ngày có hiệu lực 11/01/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Minh Tiến
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/KH-UBND

Hà Giang, ngày 11 tháng 01 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2017

Thực hiện văn bản số 8689/BNN-TY ngày 13/10/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2017.

Để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh bệnh động vật theo đúng quy định của Luật thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đồng thời để giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định, góp phần hoàn thành mục tiêu tỷ trọng chăn nuôi đạt 31,5% trong ngành nông nghiệp năm 2017. UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Đảm bảo có sự chủ động trong triển khai các biện pháp để phòng, chống dịch, bệnh cho đàn vật nuôi; kịp thời kiểm soát và khống chế các ổ dịch bệnh nguy hiểm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh... góp phần phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Công tác tổ chức triển khai thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và cả hệ thống chính trị; huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Các biện pháp phòng, chống dịch trên vật nuôi phải tuân thủ theo quy định của Luật thú y, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục thú y và UBND tỉnh.

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ; phải sử dụng các biện pháp “phòng là chính”, trong đó công tác tiêm phòng vắc xin và vệ sinh tiêu độc, khử trùng là biện pháp then chốt; khi có dich xảy ra phải khống chế kịp thời, hạn chế lây lan, thiệt hại cho người chăn nuôi.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đối với công tác phòng dịch

1.1. Duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Tổ chức lực lượng thường trực, giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên địa bàn, nắm bắt và xử lý kịp thời, sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra.

1.2. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở.

1.3. Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở, nhằm phát hiện sớm, thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và khống chế dịch trong diện hẹp, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

1.4. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ thú y cơ sở. Đảm bảo 100% cán bộ thú y cơ sở phải được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ để tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh tại cơ sở.

1.5. Tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vác xin định kỳ và tiêm phòng bổ sung, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của công tác tiêm phòng, tỷ lệ tiêm phòng đối với Trâu, bò phải đạt 100% tổng đàn; Đối với lợn đạt 80% tổng đàn; Đối với đàn chó nuôi phải đạt 80% tổng đàn (riêng đối với vùng có ổ dịch dại tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% tổng đàn chó nuôi); Đối với gia cầm: Tiêm phòng vác xin Cúm gia cầm tại những vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh.

1.6. Quản lý chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh; 100% gia súc, gia cầm nhập về chăn nuôi của các Chương trình, Dự án, Nghị quyết 209 phải được kiểm tra, cách ly theo dõi và tiêm phòng theo quy định.

1.7. Quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung tại trung tâm các huyện, thành phố theo đề án tỉnh đã phê duyệt; 100% các huyện phải quy hoạch địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ tại trung tâm huyện; 50% số xã có hoạt động buôn bán giết mổ phải xây dựng được các điểm giết mổ tập trung tại địa bàn xã; 100% sản phẩm động vật tiêu thụ trên thị trường được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

1.8. Tổ chức thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng trên địa bàn. 100% các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao được tiêu độc định kỳ; phát động triển khai thực hiện tháng hành động vệ sinh tiêu độc khử trùng 2-3 đợt/năm, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh phát sinh.

2. Đối với công tác chống dịch

Khi có dịch xảy ra các huyện, thành phố phải thực hiện khẩn trương đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch theo quy định) nhằm đảm bảo thực hiện tốt các nội dung sau:

- Triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch theo quy định đảm bảo kịp thời khống chế địch bệnh, không để lây lan ra diện rộng.

- Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để chống dịch tại vùng khống chế và vùng đệm.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

- Cấp kinh phí kịp thời, đảm bảo có đủ kinh phí để phục vụ cho công tác chống dịch trên địa bàn.

- Thực hiện công bố dịch và công bố hết dịch theo quy định.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

[...]