Kế hoạch 1579/KH-UBND thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024

Số hiệu 1579/KH-UBND
Ngày ban hành 07/03/2024
Ngày có hiệu lực 07/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1579/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 07 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2024

Thực hiện Kế hoạch số 9373/KH-UBND ngày 28/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội, đoàn thể và các địa phương trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm; tăng cường công tác phòng ngừa, giảm hại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm ở cộng đồng; kiểm soát, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho người bán dâm; tăng cường dự phòng, điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS cho nhóm người mua, bán dâm; hỗ trợ người bán dâm hoàn lương có được công việc mới, thu nhập ổn định, hoà nhập cộng đồng bền vững.

- Xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, đối tượng phạm tội mua, bán, môi giới, chứa chấp, tổ chức mại dâm theo đúng quy định.

II. MỘT SỐ MỤC TIÊU CỤ THỂ

- Trên 70% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên.

- Thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên cơ quan báo chí của cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần.

- Trên 70% nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 50% người lao động trong các khu, cụm công nghiệp; 50% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

- 100% các trường hợp tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.

- Trên 80% các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm được tổ chức kiểm tra.

- 100% các tội phạm liên quan đến mại dâm đều được xử lý theo quy định của pháp luật.

- 100% người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng.

- Trên 70% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội, đoàn thể các cấp trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống mại dâm; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, với quan điểm cương quyết đẩy lùi, bài trừ tệ nạn mại dâm ra khỏi xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp trong công tác đấu tranh gắn với việc vận động, giúp đỡ người bán dâm hoàn lương, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng; quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn; tăng cường nguồn lực thông qua việc lồng ghép thực hiện các nội dung công tác phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng vào các hoạt động phong trào, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ cho người bán dâm, cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn.

2. Đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông qua mạng internet, qua các trang mạng xã hội, phát huy hệ thống đài phát thanh truyền hình ở các địa phương; mở rộng hình thức tuyên truyền trực tiếp, có tính tương tác cao ở cộng đồng; tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao, phụ nữ, trẻ em gái, người đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, nhân viên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, lao động làm việc ở các khu, cụm công nghiệp,…; xây dựng chương trình, tài liệu, công cụ tuyên truyền về phòng, chống mại dâm phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, địa phương; tuyên truyền về tác hại của tệ nạn mại dâm, phòng, ngừa lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục, HIV/AIDS, phổ biến các quy định pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm, hướng dẫn hành vi tình dục lành mạnh, an toàn; tăng cường lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mại dâm vào các chương trình an sinh xã hội, chương trình phòng, chống ma tuý, mua bán người, vào các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc”,… ở địa phương.

3. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hoà nhập cộng đồng; đảm bảo nghiệp vụ xử lý các vi phạm trong công tác phòng, chống mại dâm, chuyên môn về công tác tư vấn, quản lý, hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên trong công tác phòng, chống mại dâm ở cơ sở.

4. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho người bán dâm ở cộng đồng; khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng kế hoạch cung cấp các dịch vụ hỗ trợ; tăng cường công tác dự phòng, hỗ trợ điều trị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS, phòng, chống bạo lực tình dục cho người bán dâm; xây dựng, nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng, chống mại dâm ở địa phương; đầu tư, nâng cấp đảm bảo các điều kiện để Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam thực hiện việc tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ cho người bán dâm bị bạo lực tình dục.

5. Kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương về việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ người bán dâm hoàn lương hoà nhập cộng đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm các cấp; sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ nguồn ngân sách các cấp được phân bổ trong dự toán kế hoạch hằng năm và từ các nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống mại dâm; tham mưu ban hành các chế độ, chính sách tăng cường hỗ trợ cho người bán dâm hoàn lương, cho cán bộ làm công tác phòng, chống mại dâm; rà soát, quản lý số liệu, thông tin về người bán dâm trên địa bàn.

- Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm và các chế độ, chính sách hỗ trợ liên quan; hướng dẫn các địa phương xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, ngừa giảm hại, hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng; chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ cho người bán dâm bị bạo lực tình dục.

[...]