Kế hoạch 156-KH/BTGTW năm 2022 tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành

Số hiệu 156-KH/BTGTW
Ngày ban hành 14/06/2022
Ngày có hiệu lực 14/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Ban Tuyên giáo Trung ương
Người ký Nguyễn Trọng Nghĩa
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN TUYÊN GIÁO
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 156-KH/BTGTW

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, QUẢN LÝ, CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG BÁO, TẠP CHÍ, TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ, MẠNG XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

- Triển khai nhiệm vụ “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo tinh thần văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Căn cứ Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 01/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Căn cứ Quyết định số 144-QĐ/TW ngày 08/8/2018 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Căn cứ Quyết định số 155-QĐ/TW ngày 23/4/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí.

- Căn cứ Luật Báo chí năm 2016.

- Căn cứ kết luận của lãnh đạo chủ chốt về việc kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các cơ quan báo chí có hành vi vi phạm pháp luật; tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ không để hình thành các cơ quan báo chí tư nhân.

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Kế hoạch “Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay”.

I - MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo sự thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông trong giai đoạn hiện nay; đề cao trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và tính tự giác, gương mẫu của mỗi người làm báo; triển khai và thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

- Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích và biểu hiện “thương mại hóa”, “tư nhân hóa” báo chí; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, tạo sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong hoạt động báo chí.

2. Yêu cầu

- Triển khai kiên quyết, kiên trì, nghiêm túc, thực chất, không hình thức, qua loa; định kỳ báo cáo cấp có thẩm quyền và công khai kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ các giải pháp; phân công trách nhiệm công việc rõ ràng, cụ thể giữa các cơ quan, đơn vị.

II - NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí và cơ quan báo chí căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm đúng nguyên tắc báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

2. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí, bảo đảm bảo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng; khắc phục những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng trong đội ngũ những người làm báo.

3. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời, chính xác, toàn diện, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là đối với những vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

4. Thường xuyên sơ kết, tổng kết, rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực báo chí, truyền thông để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định hiện hành; xây dựng quy chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tiêu cực trong hoạt động báo chí, trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong việc để cơ quan báo chí, người làm báo có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật.

5. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; tập trung xử lý, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa”; “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; biểu hiện tư nhân núp bóng chi phối hoạt động báo chí...

6. Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

7. Hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, nguồn lực hoạt động; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực quản lý; tăng cường trách nhiệm của các cấp hội nhà báo trong giáo dục đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh việc theo dõi, kiểm tra, kết luận và xử lý đối với người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua và hoạt động báo chí.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Ban Tuyên giáo Trung ương

1.1. Tiến hành sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng về báo chí, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cụ thể:

[...]