Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình hợp tác giữa Thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2024-2025

Số hiệu 153/KH-UBND
Ngày ban hành 23/07/2024
Ngày có hiệu lực 23/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Trần Việt Trường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 23 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC GIỮA THÀNH PHỐ CẦN THƠ VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2024 - 2025

Căn cứ Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2020 - 2025, UBND[1] thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ giai đoạn 2024 - 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

1. Mục tiêu

Tăng cường liên kết, hợp tác một cách toàn diện trên lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục nâng tầm hợp tác trên các lĩnh vực đảm bảo thiết thực, khả thi, phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn.

2. Nhiệm vụ

a) Phối hợp xây dựng, cụ thể hóa nội dung chương trình, kế hoạch hợp tác trên các lĩnh vực đã ký kết; định kỳ có sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả hợp tác;

b) Nghiên cứu, đề xuất những lĩnh vực, biện pháp mới phù hợp nhu cầu phát triển; đồng thời, tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác, gắn bó lâu dài giữa thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ;

c) Xây dựng kênh quan hệ, tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ;

d) Tiếp tục phối hợp xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước;

đ) Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ về nghiên cứu, học tập.

II. CÁC NỘI DUNG HỢP TÁC, LIÊN KẾT

1. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

a) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh động vật cho cán bộ, cơ quan chuyên ngành chăn nuôi, thú y tại địa phương; Tổ chức các lớp tập huấn và thực hành cho cán bộ kỹ thuật, đồng thời lắp đặt và sửa chữa các thiết bị IOT để quan trắc dữ liệu thời tiết, đất và nước tại các huyện;

b) Triển khai các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; công nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh...;

c) Hướng dẫn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt (khuyến cáo áp dụng quy trình cụ thể phù hợp nhất với điều kiện và hiện trạng của địa phương);

d) Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho ba loại cây ăn quả chủ lực là xoài, nhãn và vú sữa;

đ) Tăng cường công tác tuyên truyền và tập huấn, tập trung vào xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn. Đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật sản xuất cho các loại cây ăn quả chủ lực, ứng dụng công nghệ IOT và viễn thám trong quản lý sản xuất và dịch hại trên cây trồng. Tiếp tục lai tạo và chọn lọc các giống lúa mới với khả năng chống chịu sâu bệnh và chất lượng cao, đặc biệt chọn tạo giống lúa mới phục vụ nhãn hiệu gạo Cần Thơ. Phát triển các công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản đến nâng cao giá trị sản phẩm;

e) Đào tạo và tập huấn cho cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã nông nghiệp về quản lý và điều hành, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, bảo vệ thực vật và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; Tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Nâng cao năng lực hoạt động cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn thông qua hoạt động tập huấn, tư vấn, củng cố. Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý, thành viên của hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, trong quản lý điều hành hoạt động của hợp tác xã, tổ chức các dịch vụ, xây dựng kế hoạch hàng năm, các kiến thức kinh tế trong quá trình hội nhập, kiến thức vận động mở rộng quy mô thành viên, kế toán, kiểm soát hoạt động nội bộ trong hợp tác xã nông nghiệp. Tập huấn các kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hướng sản xuất theo an toàn, sinh học, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp, các kiến thức về sản xuất theo quy trình VietGap, LobalGap, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, tự động, bán tự động hóa. Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý, thành viên của trang trại nông nghiệp, trong quản lý điều hành hoạt động của trang trại nông nghiệp, tổ chức các dịch vụ, xây dựng kế hoạch hàng năm, các kiến thức sản xuất kinh doanh trong quá trình hội nhập.

2. Lĩnh vực công thương

a) Hợp tác nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển về lĩnh vực Công Thương (năng lượng, chế biến nông sản, cơ khí...);

b) Phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ;

c) Triển khai các hoạt động thu hút tài trợ của nước ngoài cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu;

d) Phối hợp thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

3. Lĩnh vực khoa học và công nghệ

a) Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố sử dụng ngân sách nhà nước;

b) Triển khai thỏa thuận hợp tác chương trình đào tạo điện tử và vi mạch bán dẫn nhằm triển khai tổ chức hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn tại thành phố Cần Thơ;

[...]