Kế hoạch 1527/KH-UBND năm 2023 về hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030

Số hiệu 1527/KH-UBND
Ngày ban hành 20/03/2023
Ngày có hiệu lực 20/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Minh Cảnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1527/KH-UBND

Bến Tre, ngày 20 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 10 tháng 12 năm 2018;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ chính trị;

Căn cứ Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đa dạng sinh học giữ vai trò quan trọng để phát triển kinh tế xanh, bền vững, là giải pháp trước mắt, lâu dài để bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học là trực tiếp góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, bảo tồn đa dạng sinh học là quyền, trách nhiệm của cộng đồng.

Đối với tỉnh Bến Tre, các thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế như nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, hoa kiểng và du lịch sinh thái phát triển dựa trên các vùng đất ngập nước ven sông, ven biển; tỉnh được đánh giá có đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái vùng cửa sông ven biển, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, rừng ngập mặn,… Theo định hướng của tỉnh, phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường, thiên nhiên, không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế để xây dựng Bến Tre xanh; đồng thời tăng cường thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; và cụ thể Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở kết quả thực hiện hoàn thành dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, phù hợp với Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ, Quy hoạch phát triển tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 ” (sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động) với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững, gắn với an ninh quốc phòng. Qua đó, góp phần đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; và các không gian đô thị - nông thôn, văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sinh thái phát triển theo hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường; góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, duy trì đa dạng sinh học chung vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia.

b) Mục tiêu cụ thể

- Ưu tiên bảo vệ, duy trì, cải thiện các khu bảo tồn hiện có của tỉnh gắn với phát triển du lịch sinh thái; chú trọng công tác bảo tồn khu vực cửa sông, biển, các vùng đất ngập nước quan trọng.

- Phục hồi, cải tạo Khu bảo vệ cảnh quan Thạnh Phú, Khu bảo tồn Sân chim Vàm Hồ; đánh giá, xem xét thành lập mới các khu bảo tồn theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.

- Nâng cao độ che phủ rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2025 đạt 02%, năm 2030 đạt từ 2,1%.

- Tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

- Các nguồn gen hoang dã, các giống cây trồng có giá trị kinh tế, đặc trưng của tỉnh được đánh giá, lưu giữ, bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.

- Bảo vệ các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, hoang dã trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên, tài nguyên rừng: có 90%[1] người dân tỉnh Bến Tre được phổ biến, tuyên truyền.

- Hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh Bến Tre.

2. Tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2050, các khu bảo tồn, các loài nguy cấp, các nguồn gen quý của tỉnh được bảo tồn hiệu quả, sử dụng bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và tỉnh Bến Tre phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường. Bảo tồn, phục hồi sinh thái vùng đất ngập nước quan trọng ven biển tỉnh Bến Tre tiến đến đề xuất Khu Ramsar.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

[...]