Kế hoạch 152/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án Phát triển Giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2019-2025

Số hiệu 152/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2019
Ngày có hiệu lực 19/06/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 152/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 19 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP, GIAI ĐOẠN 2019 – 2025

Thực hiện Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển Giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2018 - 2025, Uỷ ban nhân dân tỉnh (UBND tỉnh) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2014 - 2018

I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ

1. Về quy mô phát triển

- Toàn Tỉnh có 197 trường. Trong đó, có 106 trường mầm non, 91 trường mẫu giáo.

- Số nhóm lớp: 2.274 nhóm lớp. Trong đó, có 317 nhóm trẻ, 1.957 lớp mẫu giáo (có 982 lớp mẫu giáo 5 tuổi).

- Tỷ lệ trẻ huy động: Nhà trẻ đạt 18,3%; Mẫu giáo đạt 82,04%; Mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,85%.

- Tỷ lệ trẻ học bán trú đạt 69%. Trong đó, tỷ lệ trẻ 5 tuổi học bán trú đạt 66,9%.

2. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục

- Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ngày càng được nâng cao, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm (trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 2,24%; thể thấp còi giảm 2,25%; trẻ thừa cân - béo phì 5,27%), thể chất và tinh thần của trẻ ngày càng phát triển.

- Vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng, không xảy ra dịch bệnh hay ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở GDMN.

- Nội dung chương trình GDMN, các chuyên đề đều được các cơ sở triển khai đúng qui định, giúp trẻ phát triển tốt, nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin phát triển mạnh, 100% trường mầm non nối mạng Internet.

3. Về công tác xây dựng đội ngũ

Toàn tỉnh hiện có 5.629 cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên mầm non (GVMN), nhân viên (gồm nhân viên cấp dưỡng)(1).

4. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học

Có 60/186 trường công lập đạt chuẩn quốc gia(2); có 2.268 phòng học(3); 100% trường có nguồn nước sạch; 100% trường có nhà vệ sinh với 3.991 xí(4); 100% trường có sân chơi ngoài trời(5); 100% trường có nối mạng Internet, với 1.349 bộ máy tính được trang bị, 86 phần mềm ứng dụng.

5. Về công tác xã hội hoá giáo dục

Công tác xã hội hoá luôn được chú trọng và đẩy mạnh với nhiều hình thức. Qua đó, các lực lượng xã hội đã tham gia huy động học sinh đến lớp, đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong việc đưa trẻ đến trường. Tính đến nay, có 07 dự án trường mầm non được đăng ký đầu tư (05 dự án đã đi vào hoạt động), với tổng vốn đầu tư khoảng 326,61 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có 11 trường ngoài công lập, 309 nhóm, lớp với 5.847 trẻ, chiếm tỉ lệ 8,75%/tổng số trẻ đến trường.

(Chi tiết phụ lục 1 kèm theo)

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

Mạng lưới trường lớp được đầu tư, xây dựng và phân bổ đến các xã, phường, thị trấn; tỷ lệ phòng học kiên cố tăng, phòng học nhờ, mượn, thuê giảm; số trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng; việc đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 197 trường, tăng 11 trường so với năm 2014, đáp ứng phần lớn nhu cầu gửi trẻ của người dân, góp phần nâng cao được tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường.

Thực hiện hoàn thành công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đúng tiến độ; qui mô và chất lượng đội ngũ CBQL, GVMN ngày càng phát triển; đại bộ phận đều nêu cao được lòng yêu trẻ, tận tụy công việc, quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng nuôi dạy ở các cơ sở GDMN. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ huy động trẻ trong các độ tuổi nhà trẻ tăng 3,56%; mẫu giáo tăng 8,2% so với năm 2014; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 2,24%, thấp còi giảm 2,25% so với năm 2014; thể chất và tinh thần của trẻ ngày càng phát triển.

GDMN đã có những bước phát triển khẳng định và phát huy vị trí vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, tạo được những tiền đề khá vững chắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục của Tỉnh.

[...]