Kế hoạch 141/KH-UBND năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số tỉnh Cà Mau năm 2021

Số hiệu 141/KH-UBND
Ngày ban hành 25/12/2020
Ngày có hiệu lực 25/12/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Thân Đức Hưởng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 141/KH-UBND

Cà Mau, ngày 25 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ TỈNH CÀ MAU NĂM 2021

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Phụ lục 1 kèm theo.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý và điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; nâng cao chất lượng cung cấp và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

b) Hoàn thiện hạ tầng CNTT để phát triển Chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng Chính quyền số; tạo lập dữ liệu mở, dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

c) Nâng cao vị trí xếp hạng của tỉnh Cà Mau về các chỉ số liên quan đến Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an toàn thông tin mạng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% cấp xã và các khu dân cư tập trung có hạ tầng cáp quang, phủ sóng Internet băng thông rộng.

b) 70% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, trong đó, 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 40% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp, khai thác trên thiết bị di động; phấn đấu đạt 30% tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng hồ sơ tiếp nhận; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

c) 80% văn bản, hồ sơ công việc cấp tỉnh, 70% văn bản, hồ sơ công việc cấp huyện và 50% văn bản, hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ mật); đảm bảo 100% cơ quan, đơn vị các cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được cấp chữ ký số chuyên dùng để thực hiện giao dịch điện tử với người dân, doanh nghiệp.

d) 20% hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP).

đ) 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

e) 50% cấp tỉnh, 30% cấp huyện thực hiện họp thông qua hệ thống họp trực tuyến.

g) Thực hiện giám sát và định kỳ đánh giá an toàn thông tin mạng theo cấp độ cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

III. NHIỆM VỤ

1. Hoàn thiện môi trường pháp lý

- Triển khai, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau, phiên bản 2.0.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành Trung ương thông qua hệ thống nền tảng, chia sẻ tích hợp dữ liệu của tỉnh trên cơ sở đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

- Xây dựng ban hành Kế hoạch phát triển Chính quyền số giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Xây dựng, ban hành quy chế, quy định về quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

- Rà soát, ban hành Danh mục thủ tục hành chính ưu tiên thực hiện trên môi trường điện tử của tỉnh Cà Mau theo quy định.

- Triển khai các quy định, chính sách áp dụng tại địa phương về phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số.

2. Phát triển hạ tầng kỹ thuật

Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT bảo đảm đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ phát triển Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số, gồm:

- Mua sắm bổ sung, thay thế máy tính hư hỏng và các trang thiết bị khác để bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức.

[...]