Kế hoạch 14/KH-UBATGTQG triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2015 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành

Số hiệu 14/KH-UBATGTQG
Ngày ban hành 15/01/2015
Ngày có hiệu lực 15/01/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/KH-UBATGTQG

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2015

Năm 2015, với đà phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, lượng phương tiện tham gia giao thông vận tải ngày càng tăng. Đồng thời, năm 2015 đất nước có nhiều sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng: chào mừng 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 40 năm thống nhất đất nước, năm cuối của nhiệm kỳ phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; đặt ra yêu cầu cao hơn, nhiệm vụ phức tạp và khó khăn hơn cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tiếp tục thực hiện Chương trình “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020” của Liên hợp quốc; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 87/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia xây dựng Kế hoạch triển khai công tác Năm an toàn giao thông năm 2015 với chủ đề “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

2. Giảm từ 5% đến 10% so với năm 2014 về số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe mô tô. Các địa phương giảm tối thiểu 5% số vụ, số người chết, số người bị thương: đối với các địa phương có số người chết tai nạn giao thông năm 2014 tăng phải giảm tối thiểu 10% số vụ, số người chết, số người bị thương (theo phụ lục đính kèm).

3. Tiếp tục cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

II. YÊU CẦU

1. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn quốc, từ cấp Trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2015.

2. Xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nhiệm vụ, từng hoạt động, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; tuyệt đối tránh hình thức, rườm rà; triệt để thực hành tiết kiệm.

3. Phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.

4. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải; điều khiển giao thông; giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo đúng Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2013 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW.

2. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát.

3. Đẩy mạnh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ; thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông.

4. Đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông; những vi phạm về điều kiện an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông.

5. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và người điều khiển phương tiện cá nhân, đặc biệt là nhóm những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

6. Tiếp tục thực hiện phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đẩy nhanh tiến độ và khuyến khích sử dụng vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Giao thông vận tải

a) Công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật

Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án quy hoạch và các đề án khác, bảo đảm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và trực tiếp ban hành theo đúng tiến độ đã đăng ký, đặc biệt là các quy định siết chặt quản lý vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh các quy định và chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện, nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông; hành khách không thắt dây an toàn khi đi ô tô; nghiên cứu để quy định có hiệu quả về việc thu và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ đối với xe mô tô; xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về tổ chức, giám sát, điều khiển giao thông.

b) Tiếp tục thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện:

- Triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa và các Nghị định có liên quan trong lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt; tổ chức tập huấn quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải cho lãnh đạo đơn vị kinh doanh vận tải và người điều hành vận tải;

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động về siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện; chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với công an các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hành vi vi phạm, lách luật, tránh trạm cân tải trọng và chống đối lực lượng thực thi công vụ;

- Ngăn chặn xe chở quá tải từ gốc, yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp như mỏ, cảng, ga, cơ sở sản xuất vật liệu ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng xe và có biện pháp kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xếp hàng; yêu cầu chủ phương tiện cam kết không hoán cải phương tiện;

[...]