Kế hoạch 1389/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 1389/KH-UBND
Ngày ban hành 21/08/2018
Ngày có hiệu lực 21/08/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1389/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 21 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT KÊ ĐƠN THUỐC VÀ BÁN THUỐC KÊ ĐƠN GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị chữa bệnh, tuy vậy, thuốc có những tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc tự ý sử dụng sẽ gây ra những hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như kéo dài thời gian điều trị, gia tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân, tăng chi phí điều trị, đặc biệt là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Trong ngành y tế, đơn thuốc có ý nghĩa rất quan trọng cả về y khoa, kinh tế và pháp lý. Một đơn thuốc được ghi nội dung đúng theo quy định, các thuốc được kê hợp lý, ghi tên thuốc theo tên chung quốc tế, hàm lượng, liều dùng, cách dùng,... sẽ giúp giảm thiểu sự nhầm lẫn, sai sót trong cấp phát, sử dụng, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Tại Việt Nam, nhằm tăng cường giám sát hoạt động kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định về vấn đề này. Tuy vậy, thực trạng kê đơn và sử dụng thuốc ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc tiêm, vitamin, kê quá nhiều thuốc cho một đơn thuốc. Việc thực hiện quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú còn nhiều tồn tại, tình trạng kê đơn theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc không có nhiều hoạt chất vẫn còn diễn ra; nội dung ghi hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, đường dùng, thời điểm dùng; thông tin bệnh nhân chưa đầy đủ. Những bất cập này cần có các biện pháp khắc phục cụ thể, kịp thời nhằm hướng tới sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và kinh tế.

Bên cạnh đó, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán không có đơn và một trong những nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đáng báo động. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.

Nguyên nhân của hiện tượng bán thuốc kê đơn mà không có đơn tràn lan là do chủ cơ sở bán lẻ thuốc muốn tối đa hóa doanh thu, áp lực từ phía khách hàng liên quan đến thói quen khám bệnh, dùng thuốc; sự phiền hà và tốn kém để có được đơn thuốc; nhận thức của người dân, chủ cơ sở bán lẻ thuốc còn hạn chế; số lượng cơ sở bán lẻ thuốc quá lớn; cơ cấu nhân lực của cơ quan quản lý còn hạn chế... Ngoài ra, chế tài xử phạt vi phạm hiện hành chưa đủ sức răn đe, đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác các thông tin về tên thuốc, số lượng, hàm lượng, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng thuốctrong đơn bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Khi kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn được thực hiện nghiêm túc thì việc sử dụng thuốc sẽ đảm bảo an toàn, hợp lý và hiệu quả, vấn đề kháng thuốc kháng sinh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội. Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Y tế đã ban hành đề án 4041/QĐ-BYT ngày 07/9/2017 về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Để triển khai thực hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như sau:

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020 của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

- Xác định mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu cho giai đoạn 2018 - 2020, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tế, nhằm từng bước đạt mục tiêu đề ra.

- Xác định rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp của các cấp, các ngành trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực các mục tiêu của Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020 của Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê đơn thuốc và người bán lẻ thuốc trong việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là thuốc kháng sinh, góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú:

+ Đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện ngoài công lập và đạt 80% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập khác.

+ Đạt 90% kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện ngoài công lập và đạt 70% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập khác.

- Tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc:

+ Đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ:

1.1. Các hoạt động đảm bảo thực hiện đúng quy định kê đơn thuốc

- Triển khai tập huấn về quy định kê đơn thuốc; cập nhật nâng cao ý thức, trách nhiệm năng lực chuyên môn cho các bác sỹ, y sỹ trực tiếp kê đơn.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của y sỹ, bác sỹ về việc kê đơn thuốc an toàn, hợp lý, trọng tâm là thuốc kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh.

- Ứng dụng và triển khai việc thực hiện kê đơn ngoại trú điện tử để giảm được các sai sót trong việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân ngoại trú.

[...]