Kế hoạch 138/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 138/KH-UBND
Ngày ban hành 12/07/2023
Ngày có hiệu lực 12/07/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Nguyễn Văn Hòa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 12 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Thực hiện Quyết định số 3875/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”; Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai hiệu quả nội dung Quyết định số 3875/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”.

- Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số giữ vai trò quan trọng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đồng thời, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch đảm bảo lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Tỉnh. Lồng ghép với các chương trình, kế hoạch của Tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Văn học dân gian của các dân tộc là thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo và đa dạng trong sự thống nhất, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

- Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số phải gắn kết, kết nối chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác như: phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc… đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực khác có liên quan như: giáo dục, an ninh, thông tin và truyền thông.

- Các nghệ nhân và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các tác phẩm, thể loại có nguy cơ mai một cao.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các tác phẩm văn học dân gian; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học dân gian trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đưa các tác phẩm văn học dân gian vào sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa nhằm định hướng cho người dân ý thức giữ gìn, bảo tồn văn học dân gian của dân tộc mình.

2.2. Mục tiêu cụ thể

2.2.1. Giai đoạn 2023 - 2026

- Phấn đấu sưu tầm, số hóa 40% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, phát huy và phục vụ bạn đọc.

- Phấn đấu 40% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa.

- Phấn đấu 50% công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, người có uy tín… được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số.

- Phấn đấu 40% trường phổ thông dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh.

- Xây dựng 03 câu lạc bộ sinh hoạt, đội văn nghệ dân gian/huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh (thành phố Vị Thanh (03), huyện Châu Thành A (03), huyện Vị Thủy (03), huyện Long Mỹ (03); Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam (01); Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Hậu Giang (01). Nội dung hoạt động của các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian: Hỗ trợ hoạt động câu lạc bộ, đội văn nghệ (hát, múa, hòa tấu nhạc cụ) hỗ trợ mua sắm nhạc cụ, phục trang và đạo cụ biểu diễn.

2.2.2. Giai đoạn 2027 - 2030

- Phấn đấu sưu tầm, số hóa 80% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, phát huy và phục vụ bạn đọc.

[...]