Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 138/KH-UBND năm 2022 về phát triển thủy sản giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 138/KH-UBND
Ngày ban hành 03/03/2022
Ngày có hiệu lực 03/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 03 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1960/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/5/2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 256/TTr-SNN ngày 25/02/2022.

Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thủy sản giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển sản xuất thủy sản phù hợp với Chiến lược phát triển thủy sản của cả nước; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển sản xuất thủy sản thành ngành kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thế mạnh hiện có để phát triển sản xuất thủy sản (SXTS) phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành, lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững trên tất cả các khâu:nuôi trồng, khai thác, sơ chế và chế biến, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản (BVNLTS), dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với vùng, địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển SXTS gắn với các hoạt động giáo dục, du lịch sinh thái, tham quan và bảo vệ môi trường. Nâng cao trình độ sản xuất, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an ninh thực phẩm, ổn định xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2022-2025

- Diện tích nuôi cá đạt 4.800 ha

- Sản lượng thủy sản đạt 42.000 tấn

- Tốc độ tăng trưởng giá trị SXTS đạt 1,2%/năm trở lên.

2.1. Đến năm 2030

- Diện tích nuôi cá đạt 4.500 ha

- Sản lượng thủy sản đạt 40.000 tấn

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 1,2%/năm trở lên. Cơ cấu sản xuất thủy sản (SXTS) trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14-15%. Giá trị SXTS đạt trên 300 triệu đồng/ha mặt nước.

2.2. Đến năm 2045

Ổn định diện tích SXTS ao đất khoảng 4.300ha. Tốc độ tăng trưởng SXTS dựa trên cơ sở quản lý sản xuất khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến, công nghệ cao (CNC) hiện đại và có sự liên kết sản xuất chặt chẽ trong các khâu sản xuất góp phần nâng cao năng suất, giá trị, bảo đảm an ninh dinh dưỡng, cung cấp đủ thực phẩm thủy sản cho nhu cầu người dân trong tỉnh; có trên 80% diện tích nuôi thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến, CNC vào sản xuất.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức sản xuất thủy sản

1.1. Sản xuất giống thủy sản

- Tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp hạ tầng các cơ sở sản xuất giống thủy sản; nâng cao năng lực quản lý, tiếp nhận, thay thế bổ sung đàn thủy sản giống gốc, giống bố mẹ và kỹ thuật sản xuất các đối tượng nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng đã được đánh giá khả năng thích nghi, sinh trưởng được công nhận đưa vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng số lượng cá giống nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh;

- Hằng năm và theo giai đoạn tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá chất lượng, số lượng đàn cá bố mẹ; nắm bắt nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, bổ sung thay thế đàn cá bố mẹ nhằm sản xuất, cung ứng cá giống được đầy đủ, kịp thời.

- Đẩy mạnh việc thành lập, tổ chức liên kết các đơn vị sản xuất giống với doanh nghiệp, Hợp tác xã, người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh để cung cấp, trao đổi thông tin, giảm các khâu trung gian nhằm quản lý tốt chất lượng con giống đưa con giống có năng suất, chất lượng cao đến người nuôi, làm giảm giá thành sản xuất;

- Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng giống thủy sản. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và cập nhật kiến thức, công nghệ sản xuất giống cho cán bộ quản lý, nhân viên, công nhân kỹ thuật của các cơ sở sản xuất giống trong việc tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật sản xuất giống mới.

[...]