Kế hoạch 137/KH-UBND năm 2023 về sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm của tỉnh Cà Mau và liên quan đến tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử trong và ngoài tỉnh

Số hiệu 137/KH-UBND
Ngày ban hành 12/06/2023
Ngày có hiệu lực 12/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Nguyễn Minh Luân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 137/KH-UBND

Cà Mau, ngày 12 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

SƯU TẦM, THU THẬP TÀI LIỆU LƯU TRỮ QUÝ, HIẾM CỦA TỈNH CÀ MAU VÀ LIÊN QUAN ĐẾN TỈNH CÀ MAU QUA CÁC THỜI KỲ LỊCH SỬ TRONG VÀ NGOÀI TỈNH

Căn cứ Luật Lưu trữ năm 2011, Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm của tỉnh Cà Mau và liên quan đến tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử (sau đây viết tắt là tài liệu lưu trữ quý, hiếm của tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử) trong và ngoài tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm của tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử để bổ sung, hoàn thiện Phông Lưu trữ[1] của tỉnh Cà Mau.

b) Bảo quản an toàn, phát huy hiệu quả giá trị của các tài liệu lưu trữ quý, hiếm của tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử; góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ về giá trị lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa và các giá trị của tài liệu lưu trữ mang lại.

c) Đáp ứng yêu cầu sử dụng tài liệu lưu trữ, phục vụ trong quá trình hoạt động, học tập, nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Cà Mau.

2. Yêu cầu

a) Việc tổ chức khảo sát, lập danh mục, thực hiện sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm của tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử phải đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chí theo quy định tại Điều 26 Luật Lưu trữ.

b) Sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ quý, hiếm của tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; hình thức sưu tầm, thu thập tài liệu phù hợp, đảm bảo yêu cầu nghiệp vụ và kinh phí thực hiện.

c) Tài liệu sau khi sưu tầm phải được chỉnh lý, bảo vệ, bảo quản an toàn và tổ chức khoa học nhằm tiếp tục phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

d) Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ hiến tặng, ký gửi, bán tài liệu lưu trữ của mình cho Nhà nước; đóng góp, tài trợ cho hoạt động lưu trữ và thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ đế bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tài liệu sưu tầm, thu thập

a) Nội dung sưu tầm, thu thập

- Tài liệu về quá trình xác lập và hình thành vùng đất con người Cà Mau.

- Tài liệu về quá trình thay đổi địa giới hành chính, tổ chức bộ máy hành chính tỉnh Cà Mau qua các thời kỳ từ trước năm 1997.

- Tài liệu phản ánh đời sống vật chất, tinh thần, phong tục tập quán của người Cà Mau qua các thời kỳ lịch sử từ trước năm 1997.

- Tài liệu có giá trị về văn hóa, tôn giáo hiện đang bảo quản tại các cơ sở thờ tự, đình, chùa, dòng họ, cá nhân.

- Tài liệu về các phong trào đấu tranh, các cuộc kháng chiến giành độc lập, giải phóng địa phương (chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, ...).

- Tài liệu có giá trị về thân thế các nhân vật lịch sử của tỉnh Cà Mau đang bảo quản trong Nhân dân, cộng đồng dân cư.

b) Hình thức sưu tầm, thu thập

- Độc đáo về vật mang tin (lá, gỗ, vải, da, giấy dó, ...), ngôn ngữ thể hiện, hình thức trình bày, kỹ thuật chế tác (hình vẽ, hoa văn, ký hiệu, chữ viết, hình ảnh, âm thanh, ...).

- Bản gốc, bản chính, bản sao hợp pháp, bản ghi âm, ghi hình, bản thảo viết tay hoặc có bút tích của các cá nhân tiêu biểu.

2. Địa điểm sưu tầm, thu thập

a) Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.

b) Lưu trữ lịch sử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Lưu trữ lịch sử cấp tỉnh).

[...]