Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2021 thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 136/KH-UBND
Ngày ban hành 18/07/2021
Ngày có hiệu lực 18/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Hồ Thu Ánh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 18 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG (LAO ĐỘNG TỰ DO) GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 68/NQ-CP).

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tự do giảm bớt khó khăn, đảm bảo đời sống cho người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm sự chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành có liên quan trong thực hiện chính sách; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

- Đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn Tỉnh; làm tốt công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

Việc chi hỗ trợ đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại khoản 7, khoản 8 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

II. NỘI DUNG HỖ TRỢ

1. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (người lao động tự do), bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

(1) Thời điểm mất việc làm có thu nhập thấp hơn 1.300.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và 1.000.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn.

(2) Cư trú hợp pháp tại địa phương: có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc có giấy xác nhận đăng ký tạm trú, lưu trú của cơ quan công an cấp xã.

(3) Làm công việc thường xuyên mang lại thu nhập chính để nuôi sống bản thân, gia đình, thuộc một trong các nghề cụ thể sau:

+ Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;

+ Mua bán phế liệu lưu động;

+ Bốc vác tại các chợ;

+ Vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ;

+ Lái xe honda ôm;

+ Bán lẻ vé số lưu động (bán vé số dạo);

+ Tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống; cắt, uốn tóc.

(4) Thời gian áp dụng đến ngày 31 tháng 12 năm 2021.

2. Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người/lần.

[...]