Kế hoạch 132/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 279/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 132/KH-UBND
Ngày ban hành 05/06/2024
Ngày có hiệu lực 05/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Đoàn Thanh Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 132/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 05 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 279/QĐ-TTG NGÀY 04/4/2024 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT, TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT THỰC HIỆN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TẠI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2024-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 04/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024-2030” (sau đây gọi tắt là Đề án), UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Kịp thời triển khai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN); chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung, tại địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN nói riêng.

Xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, tác động lớn đến hiệu quả hoạt động PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào DTTS&MN.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án, kết hợp lồng ghép với thực hiện các Chương trình, đề án PBGDPL và các Chương trình mục tiêu quốc gia khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh để phát huy tối đa các nguồn lực, đảm bảo thiết thực, tránh hình thức, lãng phí.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án đồng bộ và lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN nhằm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và năng lực sử dụng pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 1 (năm 2024 và năm 2025)

- Phấn đấu số lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN được đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) phù hợp với ngôn ngữ tại địa phương tăng thêm ít nhất 10% so với số lượng năm 2023.

- Bổ sung mới ít nhất 10% đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức người DTTS so với năm 2023; mỗi thôn, khối phố... có ít nhất 01 tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS; trong đó ưu tiên lựa chọn, bồi dưỡng người cao tuổi, trưởng thôn, khối phố, các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

- Bảo đảm 100% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN được cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; bảo đảm ít nhất 70% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp trên địa bàn tỉnh được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn.

- Thực hiện các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.

b) Giai đoạn 2 (Từ năm 2026 đến năm 2030)

- Bảo đảm 100% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL phù hợp với đối tượng, lĩnh vực, địa bàn.

- Tiếp tục thực hiện hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm bổ sung hỗ trợ thêm các huyện có nhiều xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS&MN.

- Tiếp tục kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Bảo đảm tăng thêm ít nhất 25% số lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia làm báo cáo viên pháp luật so với giai đoạn 1. Đến hết năm 2030, mỗi thôn, khối phố... có ít nhất 02 tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS hoặc biết tiếng DTTS.

- Đến hết năm 2030, số lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN được đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS phù hợp với ngôn ngữ tại địa phương tăng thêm ít nhất 20% so với giai đoạn 1.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đối tượng: Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN; các cá nhân được huy động, được mời tham gia thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Đề án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh gồm: 199 đơn vị cấp xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

3. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2024 đến hết năm 2030.

[...]