Kế hoạch 1279/KH-BHXH năm 2017 về thực hiện Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 1279/KH-BHXH
Ngày ban hành 14/04/2017
Ngày có hiệu lực 14/04/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Thị Minh
Lĩnh vực Bảo hiểm

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1279/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 34/CT-TTg NGÀY 26 THÁNG 12 NĂM 2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC NHÓM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM HIỂM XÃ HỘI

Căn cứ Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đẩy mạnh khai thác đối tượng tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), để thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHTN tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Bạn Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020.

2. Yêu cầu

Việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phải đảm bảo kịp thời và hiệu quả, tạo sự đột phá về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gọi chung là tỉnh), BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gọi chung là huyện) trong thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN.

Tạo sự chuyển biến rõ nét về tinh thần, ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống cơ quan BHXH đối với việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN.

II. MỤC TIÊU

1. Đề xuất các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN theo luật định tại các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động và đóng thuê để tổ chức thực hiện, đảm bảo năm 2017 thực hiện đạt trên 70% số đơn vị có lao động thuộc diện phải tham gia, đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, BHTN; năm 2018 đạt trên 80%; năm 2019 đạt trên 90% và từ năm 2020 trở đi đạt 100% số đơn vị có lao động thuộc diện phải tham gia, đăng ký tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.

2. Đề xuất các giải pháp để phát triển người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, hằng năm phát triển tăng từ 30% trở lên so với năm trước.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Phối hợp cơ quan Thuế xác định số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BHTN theo luật định tại các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động và đóng thuế

a) Trung tâm Công nghệ thông tin:

- Hoàn thiện hệ thống trao đổi thông tin với cơ quan Thuế đáp ứng các yêu cầu quản lý của ngành như phân loại được danh sách đơn vị, lao động do cơ quan Thuế đang quản lý chưa tham gia BHXH, BHTN hoặc chưa tham gia đủ số người lao động thuộc diện phải tham gia; danh sách đơn vị giải thể, phá sản, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh; danh sách đơn vị đã quyết toán thuế nhưng chưa đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN...

- Hàng tháng cập nhật, kịp thời điều chỉnh hệ thống trao đổi thông tin với cơ quan Thuế đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

b) Ban Thu:

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN cho từng tỉnh.

- Xây dựng quy trình khai thác, quản lý và sử dụng thông tin do cơ quan Thuế cung cấp để tổ chức triển khai thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật.

- Đề xuất kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị trốn đóng BHXH, BHTN về lao động, số tiền nợ đóng BHXH, BHTN.

- Đề xuất các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN theo từng nhóm đối tượng; trình Tổng Giám đốc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN cho BHXH tỉnh đảm bảo theo lộ trình, mục tiêu.

- Cung cấp thông tin các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ về lao động, số tiền đóng đến cơ quan có thẩm quyền, cơ quan truyền thông để tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra và xử lý theo quy định.

- Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH đối với các tỉnh và các Bộ, ngành.

c) BHXH tỉnh:

- Phối hợp với Sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN cho UBND cấp huyện thực hiện sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

- Khai thác thông tin do BHXH Việt Nam cung cấp để tổng hợp, phân tích, xây dựng kế hoạch đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trốn đóng về lao động, số tiền đóng BHXH, BHTN.

[...]