Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 121/KH-UBND năm 2022 thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 121/KH-UBND
Ngày ban hành 29/06/2022
Ngày có hiệu lực 29/06/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Ngô Thị Kim Yến
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/KH-UBND

Đà Nẵng, ngày 29 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; thực hiện Công điện số 488/CĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 2862/TTr-SYT ngày 20/6/2022 của Sở Y tế, Chủ tịch UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tác hại (PCTH) của rượu, bia trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu chung

Phòng, chống và giảm tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định bền vững tại địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Trong năm 2022:

- 100% cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trong năm 2022.

- 80% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và 50% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về vấn đề này. Tăng dần tỷ lệ này trong các năm tiếp theo.

b) Đến năm 2025:

- 100% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý bị tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và 70% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về vấn đề này.

- Giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015.

- Mỗi năm phát hiện sớm qua sàng lọc, đánh giá nguy cơ và can thiệp tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 20% trên tổng số người uống rượu, bia mức nguy hại.

- 30% số người nghiện rượu, bia được khám sàng lọc phát hiện sớm và được tư vấn, điều trị cai nghiện và tái nghiện tại cộng đồng, đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 50%.

- 20% số người nghiện rượu, bia được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia; đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 40%. Tăng dần tỷ lệ này trong các năm tiếp theo.

c) 100% cán bộ y tế chuyên trách được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn về phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp giảm tác hại, điều trị, hướng dẫn cai nghiện.

d) Tiếp tục rà soát, tổ chức triển khai và thực hiện thống nhất các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia từ cấp thành phố đến cấp xã, phường trên địa bàn thành phố. Rà soát, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trên toàn thành phố, trên tất cả các lĩnh vực; chú trọng đến các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sản xuất, quản lý, vận chuyển, tiêu thụ nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân trên địa bàn

đ) Xác định trách nhiệm cụ thể và phát huy vai trò chủ động của các ngành, các tổ chức đoàn thể có liên quan và UBND các cấp trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

e) Giảm dần tiến tới chấm dứt việc lưu thông rượu, bia và đồ uống có cồn khác không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường.

3. Yêu cầu

a) Phân tích các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại tăng, làm cơ sở đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp can thiệp phù hợp với đặc điểm của thành phố Đà Nẵng.

b) Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tác hại rượu, bia của thành phố.

c) Xác định yếu tố quyết định thành công của công tác phòng, chống tác hại rượu, bia là huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu.

II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN

1. Toàn thể người dân, tập trung vào nam giới trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.

2. Lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp, tổ chức; cơ quan, đơn vị, người đứng đầu tổ chức tại cộng đồng, tôn giáo, dòng họ và các cá nhân liên quan.

[...]