Kế hoạch 111/KH-UBND năm 2019 thực hiện Kế hoạch 213-KH/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 111/KH-UBND
Ngày ban hành 23/08/2019
Ngày có hiệu lực 23/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Tăng Bính
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 23 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 213-KH/TU NGÀY 09/7/2019 CỦA TỈNH ỦY VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Kế hoạch số 213-KH/TU ngày 09/7/2019 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 30 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 213 của Tỉnh ủy), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; năng lực thực thi pháp luật, hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Nâng cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 213 của Tỉnh ủy.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 30 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 213 của Tỉnh ủy phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải được tổ chức sâu rộng, thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Huy động được sự tham gia của tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

- Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 213- KH/TU ngày 09/7/2019 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị, kế hoạch về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010, Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch lồng ghép việc thực thi các nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với điều kiện thực tế của các sở, ban, ngành, địa phương.

2. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

- Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả để thực hiện thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử.

- Xây dựng cơ chế quản lý nhà nước thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, trong nội bộ ngành, giữa các ngành, các lĩnh vực, xác định rõ vai trò đầu mối, điều tiết và giám sát; khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không rõ đầu mối giữa các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các Kế hoạch của Tỉnh ủy: số 125-KH/TU ngày 05/4/2018, số 126-KH/TU ngày 05/4/2018.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm cán bộ, công chức có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và các thành tựu kinh tế - xã hội mới vào lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để các doanh nghiệp hoạt động; khuyến khích doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, giá thành hợp lý, có uy tín, thương hiệu để cung cấp đến người tiêu dùng.

- Có giải pháp căn cơ, hiệu quả và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi, xâm phạm quyền lợi, sức khỏe, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, an toàn của người tiêu dùng; đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng nâng cao khả năng tự bảo vệ mình. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các đối tượng là người tiêu dùng yếu thế.

- Tăng cường công tác phân tích, kiểm định, đánh giá, kiểm soát những hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.

- Xây dựng quy định việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng theo hướng thủ tục đơn giản, thuận tiện để người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể giải quyết tranh chấp qua phương thức trọng tài và tòa án; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người tiêu dùng giải quyết tranh chấp qua phương thức thương lượng, hòa giải.

- Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho các cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng nhiều hình thức phù hợp như hội nghị, hội thảo, tọa đàm ... về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng; đồng thời công khai các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Đa dạng hóa phương thức truyền thông, đổi mới nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để thực thi hiệu quả các quyền của người tiêu dùng, nhất là các đối tượng người tiêu dùng yếu thế (như trẻ em, học sinh, sinh viên, người già, phụ nữ, công nhân, khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ...).

[...]