Kế hoạch 106/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 106/KH-UBND
Ngày ban hành 17/10/2020
Ngày có hiệu lực 17/10/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Lê Thị Kim Dung
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 17 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 17/NQ-CP NGÀY 18/9/2019 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 36-KL/TW NGÀY 06/9/2018 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 6 KHÓA XI VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT ĐAI TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH TOÀN DIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, TẠO NỀN TẢNG ĐỂ ĐẾN NĂM 2020 NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 18/9/2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt, triển khai và cụ thể hóa các nội dung tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 18/9/2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

- Xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt các nội dung đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, huy động tốt nhất nguồn lực từ đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và khắc phục tình trạng khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai trên địa bàn.

2. Yêu cầu

- Cụ thể hóa đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp.

- Xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ngành, đơn vị có liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở, ngành, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, pháp luật

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai; rà soát, đề xuất, tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đấu thầu, xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản, thuế, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các luật khác có liên quan đảm bảo thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai.

- Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh ban hành để kịp thời tham mưu với HĐND, UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế các cơ chế quy định theo phân cấp hoặc các chính sách đặc thù theo thẩm quyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

2. Tích tụ, tập trung, sử dụng có hiệu quả đất đai, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình thí điểm tích tụ, tập trung đất đai phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện; rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới để đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất huyện, thành phố.

- Rà soát tích hợp các quy hoạch ngành, phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao; vùng canh tác hữu cơ; phân 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) trên địa bàn tỉnh; thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường đất nông nghiệp, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy hoạch gắn với việc đầu tư kết cấu hạ tầng và các giải pháp cải tạo, nâng cao chất lượng đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng thoái hóa đất, suy giảm chất lượng đất.

3. Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội

- Tích hợp quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh; tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm huyện, thành phố theo quy định của pháp luật. Triển khai lập quy hoạch phân khu chức năng cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại tại vị trí đất bám trục đường giao thông chính, lợi thế thương mại cao, quỹ đất ven các trục đường mở mới.

- Rà soát quy hoạch, phương án sử dụng đất của các Công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; xử lý tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái pháp luật. Hoàn thành việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính, lập hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận đối với diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp trả lại địa phương quản lý, trong đó ưu tiên giao đất cho hộ đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

- Tăng cường công tác điều tra cơ bản về đất đai, trọng tâm là đánh giá chất lượng, tiềm năng đất và điều tra, thống kê giá đất, theo dõi biến động giá đất, lập bản đồ giá đất đối với những khu vực đã hoàn thành đo đạc địa chính chính quy. Tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

- Bố trí kinh phí thực hiện thu hồi đất giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư theo hướng chủ yếu thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là đất có nguồn gốc Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, đất Nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước thuê, đất giao không thu tiền sử dụng và đất do UBND cấp xã đang quản lý, sử dụng; Ưu tiên bố trí quỹ đất cho các mục đích xây dựng công trình giáo dục, sự nghiệp thuộc lĩnh vực xã hội hóa và cơ sở xã hội hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận.

- Khi thu hồi đất để thực hiện các công trình, dự án kết cấu hạ tầng thì phải lập kế hoạch sử dụng đất, dự án đầu tư, đồng thời lập, phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất, đồng bộ và phù hợp với quy định của pháp luật, bao gồm đất để thực hiện công trình dự án và vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất; quy trình thực hiện phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất tại các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa đảm bảo theo đúng quy định. Kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là các dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích … theo đúng quy định của pháp luật.

4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quản lý đất đai công khai, minh bạch, hiệu quả

- Tiếp tục rà soát thủ tục hành chính về đất đai tại cấp tỉnh, cấp huyện để điều chỉnh, bổ sung theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, thuận lợi cho người sử dụng đất tham gia thực hiện các giao dịch về đất đai.

- Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, từng bước tiến tới giao dịch điện tử để giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai nhất là việc kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan thuế; xây dựng cơ chế hoạt động nhằm cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm tính pháp lý, tính chính xác của thông tin cho các cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp.

[...]