Kế hoạch 10481/KH-BNN-TCLN năm 2014 xây dựng dự thảo Nghị định quy định về giao khoán rừng, khoán vườn cây và khoán mặt nước nuôi trồng thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 10481/KH-BNN-TCLN
Ngày ban hành 30/12/2014
Ngày có hiệu lực 30/12/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hà Công Tuấn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10481/KH-BNN-TCLN

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH VỀ GIAO KHOÁN RỪNG, KHOÁN VƯỜN CÂY VÀ KHOÁN MẶT NƯỚC NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1059/QĐ-BNN-QLDN ngày 16/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Quyết định số 4316/QĐ-BNN-KH ngày 08/10/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định số 1580/QĐ-TTg ngày 06/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh (sau đây gọi tắt là Nghị định), như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao khoán rừng, khoán vườn cây, khoán mặt nước nuôi trồng thủy sản gắn với giao đất và giao khoán đất, nhằm phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc.

2. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, tháo gỡ những bất cập, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện các văn bản liên quan đến giao khoán rừng, khoán vườn cây, khoán mặt nước nuôi trồng thủy sản đồng thời với giao đất và giao khoán đất theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 và Nghị định số 01/CP ngày 01/01/1995.

3. Xây dựng dự thảo Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định hướng dẫn thi hành.

II. SỰ CẦN THIẾT

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy định việc giao khoán rừng, khoán đất lâm nghiệp, khoán vườn cây và mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các tổ chức, ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, lâm trường quốc doanh được Nhà nước giao đất, giao rừng, giao mặt nước nuôi trồng thủy sản (tập trung ở 02 Nghị định của Chính phủ là Nghị định số 01/CP ngày 01/01/1995 và Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngay 08/11/2005); chính sách giao khoán rừng, vườn cây, mặt nước nuôi trồng thủy sản đã đem lại những hiệu quả tích cực về bảo vệ rừng, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho những hộ gia đình sinh sống trên địa bàn hoạt động của các Lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp và Ban Quản lý rừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các văn bản quy định về giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, cụ thể như sau:

- Nghị định 135/2005/NĐ-CP có 4 chương, 18 điều. Trong đó quy định các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục tiêu, nguyên tắc, căn cứ giao khoán các loại đất và rừng, nghĩa vụ và quyền của bên giao khoán và bên nhận khoán, hình thức giao khoán, hợp đồng giao khoán, hồ sơ giao khoán. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn xảy ra nhiều bất cập, tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

- Nghị định 135/2005/NĐ-CP được ban hành ngày 08/11/2005 thay thế cho Nghị định số 01/CP ngày 01/01/1995. Tuy nhiên, trong khi Nghị định số 01/CP cho phép thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp ở cả 4 loại đất rừng (đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất và đất trống được quy hoạch trồng cây lâm nghiệp) thì Nghị định 135/2005/NĐ-CP chỉ cho phép giao khoán đất rừng sản xuất; điều này khiến cho việc quản lý những diện tích đất rừng phòng hộ và đặc dụng đã được giao trước đây theo Nghị định 01/CP gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp.

- Chưa có sự phân định rõ ràng giữa việc giao khoán đất rừng và giao khoán rừng; Nghị định 135/2005/NĐ-CP quy định việc giao khoán đất lâm nghiệp, nhưng tại Điều 15 (Chương III) lại không quy định việc giao khoán đất lâm nghiệp đối với diện tích đất lâm nghiệp có rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng mà chỉ quy định việc giao khoán rừng.

- Chưa quy định rõ về các hình thức giao khoán rừng và đất lâm nghiệp.

- Thời gian giao khoán theo Nghị định quy định có thể đến 50 năm, nên ở nhiều địa phương việc giao khoán khi thực hiện hợp đồng khoán không rõ ràng, cơ bản giao khoán theo thời gian kéo dài gây nên hiểu nhầm giữa việc giao đất và giao khoán đất dẫn đến xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất lâm nghiệp và sử dụng đất không đúng theo quy định đối với diện tích được giao khoán.

- Nghị định chỉ quy định về giao khoán đất, chưa có quy định về việc giao khoán các loại rừng gắn liền với giao khoán đất.

- Việc giao khoán rừng theo các hình thức khác nhau (khoán bảo vệ rừng, khoán trồng rừng...) chưa được quy định rõ ràng, chi tiết cho từng loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất). Đồng thời chưa có quy định về việc giao khoán rừng cho đối tượng là các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam (đang tham gia các hoạt động công ích như cứu hộ, bảo tồn...).

- Việc giao khoán đất rừng trước đây tiến hành đồng loạt đối với cả đơn vị (bên giao khoán) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và đơn vị chưa được cấp GCNQSDĐ; nên đối với đơn vị chưa được cấp GCNQSDĐ đất khi thực hiện giao khoán kéo dài (có nơi đến 50 năm theo Nghị định) đã xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp giữa bên giao khoán và bên nhận khoán. Vì không hiểu rõ quy định giữa việc giao đất và giao khoán đất nên nhiều diện tích đất lâm nghiệp hộ gia đình sau khi nhận khoán đã được địa phương làm thủ tục giao đất lâm nghiệp.

Trước những tồn tại, bất cập của chính sách về giao khoán rừng, vườn cây, đất lâm nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản nêu trên, việc xây dựng Nghị định mới quy định việc giao khoán rừng, khoán vườn cây, khoán mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các tổ chức được nhà nước giao đất, giao rừng và giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho phù hợp với thực tiễn hiện nay là rất cần thiết.

III. NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Stt

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian

1

Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, TC Thủy Sản

10/01/2015

2

Họp Ban soạn thảo, tổ biên tập lần 1 (phân công nhiệm vụ, thống nhất nội dung)

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, TC Thủy Sản

20/01/2015

3

Xây dựng dự thảo Nghị định

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, Thủy Sản

20/01/2015 - 30/4/2015

4

Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập lần 2,

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, TC Thủy Sản

10/5/2015

5

Tổng hợp chỉnh sửa dự thảo và xây dựng tờ trình lần 1

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, TC Thủy Sản

20/5/2015

6

Lấy ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của Nghị định

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, TC Thủy Sản

30/5 - 30/6/2015

7

Tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị định

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, TC Thủy Sản

30/6/2015 - 30/7/2015

8

Họp Ban soạn thảo tổ biên tập lần 3 thống nhất nội dung và xây dựng Tờ trình lần 2

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, TC Thủy Sản

15/7/2015

9

Hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định

Vụ Pháp chế

Tổng cục Lâm nghiệp, TC Thủy Sản

30/8/2015

10

Tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện dự thảo Nghị định lần 3

Tổng cục Lâm nghiệp

Vụ Pháp chế, TC Thủy Sản

30/11/2015

11

Hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ

Vụ Pháp chế

TC Lâm nghiệp, TC Thủy Sản

25/12/2015

IV. DỰ KIẾN THÀNH PHẦN ĐƠN VỊ THAM GIA XÂY DỰNG

TT

Tên cơ quan

Nội dung tham gia

Ghi chú

I

Cơ quan không thuộc Bộ

 

 

1

Văn phòng Chính phủ

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

2

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

3

Bộ Tư pháp

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

4

Ủy ban dân tộc của Chính phủ

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

5

Bộ Lao động thương binh và xã hội

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

6

Bộ Tài chính

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

7

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

II

Các cơ quan thuộc Bộ

 

 

1

Vụ pháp chế

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

2

Vụ Tài chính

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

3

Cục Kinh tế hợp tác

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

4

Vụ Quản lý doanh nghiệp

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

5

Vụ kế hoạch

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

6

Cục Trồng trọt

Ban soạn thảo, tổ biên tập

 

7

Tổng cục Lâm nghiệp

Ban soạn thảo, tổ biên tập

Chủ trì thực hiện

-

Cục Kiểm lâm

Chủ trì soạn thảo

 

-

Ban Chính sách

 

 

-

Vụ Pháp chế thanh tra

 

 

-

Văn phòng Tổng cục

 

 

-

Vụ Kế hoạch Tài chính

 

 

8

Tổng cục Thủy sản

Ban soạn thảo, tổ biên tập

Đồng chủ trì soạn thảo

V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Vụ Pháp chế

- Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện các nội dung của dự thảo Nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

- Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của Nghị định thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

- Trình lãnh đạo Bộ văn bản xin ý kiến Bộ, ngành, đơn vị có liên quan và đối tượng chịu tác động trực tiếp của Nghị định.

- Phối hợp chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

[...]