Kế hoạch 1046/KH-UBND về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2022

Số hiệu 1046/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2022
Ngày có hiệu lực 15/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1046/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 15 tháng 03 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỆ SINH, TIÊU ĐỘC, KHỬ TRÙNG MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2022

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Kế hoạch số 7020/KH-UBND ngày 27/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh;

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh sinh và lây lan; đồng thời để ngăn ngừa bệnh lây truyền cho người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh năm 2022 với những nội dung cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu, thời gian thực hiện

1. Mục đích

- Thực hiện đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đồng bộ, toàn diện, tập trung với tần xuất cao nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường; đặc biệt là vi rút gây bệnh DTLCP, LMLM, CGC, VDNC, Dại chó, mèo...

- Hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh và lây lan dịch bệnh động vật; ngăn ngừa bệnh động vật lây sang người, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đng, môi trường và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi.

2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật từ tỉnh đến cơ sở; sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Tổ chức phun xịt hóa chất, rãi vôi tiêu độc, khử trùng có trọng điểm, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; trước khi phun hóa chất sát trùng, rãi vôi phải làm sạch đối tượng tiêu độc, khử trùng bằng biện pháp cơ học (phát quang, quét dọn, cạo, cọ rửa...).

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và các phương tiện, dng cụ trong quá trình tiêu độc, khử trùng. Người tham gia thực hiện phải được trang bị dụng cụ, bảo hộ lao động như: Bình bơm, khẩu trang, ủng,... và được trang bị kiến thức về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật; đồng thời đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan Y tế...

3. Thời gian triển khai thực hiện

Căn cứ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm thực tế của các địa phương và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có chỉ đạo triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn tỉnh năm 2022 theo từng đợt cụ thể.

II. Đối tượng, nội dung, tần suất vệ sinh, tiêu độc, khử trùng

Nội dung thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó tập trung những nội dung sau:

1. Cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm

a) Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung:

- Phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh khu vực chuồng nuôi, quét dọn, thu gom phân, rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; định kỳ rãi vôi bột đường đi, lối ra, vào và xung quanh chuồng nuôi.

- Rãi vôi lối ra vào cơ sở chăn nuôi, xung quanh các dãy chuồng; phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại, dụng cụ, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận theo lịch của cơ sở và từng đợt phát động của địa phương với tần suất ít nhất mỗi tuần 1 lần.

- Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tất cả các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, thức ăn,... và con người trước khi ra, vào cơ sở chăn nuôi.

b) Đối với chăn nuôi hộ gia đình:

- Phải nhốt gia súc, nhất là heo nuôi thả rông. Quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân, rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn.

- Rãi vôi, phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận định kỳ và từng đợt phát động của địa phương, với tần suất ít nhất mỗi tuần 1 lần.

- Vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống,... và phương tiện, dụng cụ vận chuyển gia súc, gia cầm sau mỗi lần sử dụng.

c) Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm: Quét dọn sạch sẽ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy, phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở, các vật dụng có liên quan, phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở; và từng đợt phát động của địa phương, với tần suất ít nhất mỗi tuần 1 lần.

d) Đối với các cơ sở nuôi chim Yến: Vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần bằng thuốc Virkon-S, không sử dụng chất khử trùng làm ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến.

[...]