Kế hoạch 1043/KH-UBND năm 2021 về xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Số hiệu 1043/KH-UBND
Ngày ban hành 28/07/2021
Ngày có hiệu lực 28/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Đỗ Tiến Đông
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1043/KH-UBND

Gia Lai, ngày 28 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 17/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Để đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực để thúc đẩy các phong trào thi đua, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng nhằm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đề ra. Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2021 - 2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đảm bảo thực hiện hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trọng tâm là triển khai 04 chương trình mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI đề ra và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

- Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến gắn với việc thực hiện quyết liệt và hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh đặc biệt là đại dịch Covid-19. Trong năm 2021 và thời gian đầu của kế hoạch 2021-2025 tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

- Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa to lớn và hiệu quả thiết thực của việc xây dựng và nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, đưa công tác xây dựng, nhân điển hình tiên tiến đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực là đòn bẩy thúc đẩy phong trào thi đua phát triển.

- Các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh chủ động phát hiện, xây dựng và lựa chọn những điển hình tiêu biểu, toàn diện hoặc trên từng lĩnh vực nhằm tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, phương pháp, cách làm hay để tôn vinh, nêu gương học tập và nhân rộng trong toàn tỉnh, góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và giữ vững an ninh, quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

- Thông qua công tác phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức chất lượng công tác thi đua, khen thưởng nhằm tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị và pháp luật hiện hành về thi đua, khen thưởng.

2. Yêu cầu

- Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần coi trọng và quan tâm thường xuyên đến việc xây dựng điển hình; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng kế hoạch, đề ra tiêu chí cụ thể và triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đạt hiệu quả thiết thực.

- Công tác xây dựng, nhân rộng điển hình phải gắn với các phong trào thi đua trong các lĩnh vực cụ thể, có kế hoạch rõ ràng; lựa chọn tập thể, cá nhân để xây dựng, nhân điển hình tiên tiến phải khách quan, chú trọng tập thể, cá nhân điển hình là lao động trực tiếp, ở địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, gắn với biểu dương, tôn vinh kịp thời các điển hình tiên tiến xuất sắc nhằm tạo sức lan tỏa, tác động tích cực đối với cơ quan, đơn vị và cộng đồng xã hội; từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, kinh nghiệm về xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

II. NỘI DUNG

1. Thông qua quá trình tổ chức, triển khai và thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Trung ương, của tỉnh, của ngành, phát hiện, lựa chọn những mô hình, gương điển hình tiên tiến là những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác và chiến đấu.

2. Xây dựng các tiêu chí điển hình tiên tiến của tập thể và cá nhân phù hợp với đặc điểm, tính chất, nhiệm vụ của từng cơ quan, địa phương, đơn vị; lồng ghép nội dung, tiêu chí xây dựng điển hình tiên tiến của các cuộc vận động, các phong trào thi đua và hướng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo điều kiện về tinh thần, vật chất, cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để các điển hình thực hiện và thể hiện vai trò của mình.

3. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác dụng, tính hiệu quả, xác định khả năng phát triển của từng mô hình, việc ảnh hưởng của các điển hình ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và trong xã hội, từ đó rút kinh nghiệm để điều chỉnh và bổ sung hoàn thiện. Phát hiện những khó khăn, thiếu sót, kịp thời có biện pháp giúp đỡ điển hình tiên tiến phấn đấu, rèn luyện, tiếp tục duy trì thành tích và phát huy hiệu quả.

4. Định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả của các điển hình trong mỗi giai đoạn, để kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng, đồng thời lựa chọn những mô hình thật sự xuất sắc tiêu biểu, đem lại giá trị kinh tế cao, ý nghĩa xã hội lớn, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tổ chức tôn vinh khen thưởng, học tập và nhân rộng các mô hình trong phạm vi toàn ngành, toàn địa phương.

5. Tổ chức tham quan trực tiếp kết quả, học tập kinh nghiệm của điển hình tiên tiến và nghe điển hình tiên tiến báo cáo kinh nghiệm, phương pháp, cách làm đạt hiệu quả, đạt thành tích trong thực hiện phong trào thi đua.

6. Tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả những nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới.

III. TIÊU CHÍ LỰA CHỌN

1. Đối tượng

Tập thể, cá nhân tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực, là những nhân tố mới, những điển hình xuất sắc qua các phong trào thi đua; được tập thể thừa nhận, suy tôn; có tác dụng cổ vũ, lôi cuốn, nêu gương để học tập làm theo.

2. Tiêu chí chung

- Mô hình, gương điển hình tiên tiến phải là những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất, học tập, công tác, chiến đấu và phục vụ; là nhân tố tích cực, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; có tinh thần tương thân tương ái; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở tiêu chí chung, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần xây dựng tiêu chí riêng, phù hợp với đặc thù, lĩnh vực hoạt động để phấn đấu thực hiện.

[...]