Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2024 thực hiện đợt cao điểm giải quyết, xử lý tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 104/KH-UBND
Ngày ban hành 31/05/2024
Ngày có hiệu lực 31/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 31 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỢT CAO ĐIỂM GIẢI QUYẾT, XỬ LÝ TÌNH TRẠNG KHIẾU NẠI, TỐ CÁO ĐÔNG NGƯỜI, PHỨC TẠP, KÉO DÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Công văn số 1036/VPCP-V.I ngày 28/3/2024 của Văn phòng Chính phủ, Báo cáo số 1136/BC-TTCP ngày 20/12/2023 của Thanh tra Chính phủ; Báo cáo số 834/BC-UBTVQH15 ngày 17/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh về giải pháp giải quyết, xử lý tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đợt cao điểm về giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) ngay từ khi mới phát sinh; đồng thời tập trung cao để giải quyết, xử lý dứt điểm các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, tồn đọng; không để phát sinh thành điểm nóng về an ninh trật tự. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh.

- Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết các vụ việc KNTC.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; có sự thống nhất giữa cơ quan chuyên môn của tỉnh với UBND huyện, thị xã, thành phố. Việc tổ chức thực hiện phải quyết liệt và triệt để.

- Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố:

- Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và bố trí cán bộ trực tiếp công dân thường xuyên theo quy định của Luật Tiếp công dân. Gắn việc tiếp công dân với kiểm tra, đôn đốc, giải quyết vụ việc của cấp dưới.

- Tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết kịp thời đơn thư phát sinh theo quy định của pháp luật.

2. Tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; xử lý các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài

2.1. Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố

- Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình khiếu kiện trên địa bàn, các điểm mâu thuẫn có nguy cơ phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp. Trên cơ sở đó chỉ đạo làm rõ nguyên nhân phát sinh vụ việc để tập trung hòa giải, đối thoại nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện.

- Tập trung cao giải quyết vụ việc ngay từ khi mới phát sinh đảm bảo kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và đúng pháp luật; không để công dân chờ đợi lâu dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người hoặc để vụ việc từ đơn giản trở thành phức tạp.

Rà soát, lập danh sách các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài thuộc thẩm quyền giải quyết và xây dựng kế hoạch, phương án giải quyết, thời gian hoàn thành từng vụ việc (trong đó phải làm rõ nguyên nhân phát sinh khiếu kiện và phân công cụ thể trách nhiệm lãnh đạo phụ trách, chỉ đạo giải quyết đối với từng vụ việc).

- Đối với các vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách pháp luật, đã được các cấp các ngành kiểm tra, rà soát nhưng công dân chưa nhất trí, phối hợp với Uỷ ban MTTQ tổ chức công khai kết quả giải quyết tạo sự đồng thuận của Nhân dân và tuyên truyền vận động công dân chấm dứt khiếu kiện.

2.2. Thanh tra tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh

- Chủ động tham mưu, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn các vụ việc thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh khi được giao.

- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm các quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận, quyết định xử lý tố cáo có hiệu lực pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện phải kịp thời báo cáo người có thẩm quyền để xử lý.

3. Phối hợp trong xử lý các vụ việc đông người, vượt cấp

- Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Văn phòng UBND tỉnh (trực tiếp là Ban Tiếp công dân tỉnh), các cơ quan liên quan (Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh…) để nắm tình hình, tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân, xử lý, ngăn chặn các trường hợp công dân tập trung đông người đi KNTC vượt cấp; hạn chế thấp nhất việc công dân tập trung đông người lên tỉnh, ra Hà Nội khiếu kiện, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp Ban chấp hành Trung ương Đảng, kỳ họp Quốc hội và các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh.

Khi có công dân khiếu kiện vượt cấp lên tỉnh và ra Trung ương, trực tiếp Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải tiếp và đưa công dân trở về địa phương để đối thoại, giải quyết.

- Thanh tra tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố để nắm tình hình KNTC nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh biện pháp chỉ đạo giải quyết; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố; trực tiếp tư vấn hoặc đề xuất Tổ công tác của tỉnh tư vấn giúp các huyện, thị xã, thành phố giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài.

[...]