Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 104/KH-UBND
Ngày ban hành 02/05/2024
Ngày có hiệu lực 02/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 104/KH-UBND

Cà Mau, ngày 02 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 17-CT/TU NGÀY 26/02/2024 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN ĐỐI VỚI VIỆC KHAI THÁC NGUỒN LỢI THỦY SẢN CÓ TÍNH HỦY DIỆT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/02/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh (viết tắt Chỉ thị số 17-CT/TU) và ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 124-CV/BCSĐ ngày 07/3/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 15/11/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, về việc tăng cường công tác quản lý các hoạt động khai thác thủy sản có tính chất hủy diệt trên địa bàn tỉnh Cà Mau (viết tắt Chỉ thị số 10/CT-UBND), với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai, phát động trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt nhằm bảo vệ, phục hồi và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% cán bộ, đảng viên được quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TU, Chỉ thị số 10/CT-UBND và các quy định liên quan.

- 100% người dân hoạt động khai thác thủy hải sản được tuyên truyền các quy định về ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, hoá chất cấm, ngư cụ cấm,... để khai thác thủy sản và các hành vi vi phạm khác ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi thủy sản.

- Các vụ việc vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

- Phấn đấu mỗi năm tổ chức thực hiện 02 đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên biển (bao gồm khu vực ven biển, ven các đảo, khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản...).

- Cơ bản thực hiện hoàn thành các đề án, phương án thí điểm chuyển đổi nghề khai thác sát hại nguồn lợi thủy sản đã phê duyệt.

- Hình thành và nhân rộng các mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các quy định cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ để khai thác thủy sản, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm.

- Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng; phương thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt, sử dụng tối đa các kênh truyền thông sẵn có để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; nội dung tuyên truyền ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân tiếp thu, tự giác, nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật và cùng đấu tranh, tố giác, ngăn chặn các hành vi vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

2. Vận động nhân dân giao nộp các vật liệu nổ, công cụ kích điện, ngư cụ cấm khai thác thủy sản

- Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông, để người dân hiểu việc tàng trữ, mua bán, sử dụng vật liệu nổ, công cụ kích điện, ngư cụ cấm là trái quy định của pháp luật; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc giao nộp các vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ, ngư cụ cấm khai thác thủy sản và tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác các đối tượng không chấp hành.

- Tổ chức rà soát, lập danh sách các hộ dân trên địa bàn có tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ kích điện, ngư cụ bị cấm, để tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu hộ dân ký cam kết không sử dụng và giao nộp cơ quan chức năng.

3. Thực hiện ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngư cụ, thiết bị điện và sử dụng kích điện để thu hoạch thủy sản nuôi

Thiết kế các biểu mẫu cam kết phù hợp với thực tế địa phương; rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác thủy sản ký cam kết không sử dụng kích điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm khai thác thủy sản; các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán ngư lưới cụ, thiết bị điện trên địa bàn ký cam kết không mua bán kích điện, chất nổ, chất độc, ngư cụ cấm khai thác thủy sản; các hộ dân làm nghề lưới kéo tôm, cá có sử dụng kích điện để thu hoạch tôm, cá nuôi (tôm nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, cá nuôi trong ao, vuông của hộ,...) ký cam kết chỉ sử dụng kích điện để thu hoạch tôm, cá nuôi, không sử dụng vào mục đích khác;...

4. Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm

- Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát toàn diện các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh; tập trung ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và các hành vi vi phạm khác ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi thủy sản; thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản tại vùng nước nội đồng và trên các vùng biển. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ và có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng có liên quan, đảm bảo hiệu quả, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm.

5. Phát triển và tái tạo nguồn lợi thủy sản

Vận động các tổ chức, cá nhân, tăng ni, phật tử thả các loại giống thủy sản vào các vùng nước tự nhiên (ven biển, nội đồng) để phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền người dân không khai thác nguồn lợi thủy sản vào mùa sinh sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; sử dụng dụng cụ, ngư cụ đảm bảo điều kiện theo quy định, khai thác các loài thủy sản đủ kích cỡ cho phép. Thực hiện thả bổ sung nguồn lợi thủy sản tại các vùng nước tự nhiên (ven biển, nội đồng), thả rạn nhân tạo trên các vùng biển, xây dựng các khu bảo vệ nguồn lợi, nhằm bổ sung, khôi phục nguồn lợi thủy sản và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

6. Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản

[...]