Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030

Số hiệu 101/KH-UBND
Ngày ban hành 23/03/2022
Ngày có hiệu lực 23/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Đoàn Tấn Bửu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 23 tháng 3 năm 2022

 

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG TRONG GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, định hướng giáo dục, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách để con người phát triển toàn diện, góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

2. Yêu cầu

Triển khai sâu rộng đến từng cấp, từng ngành, nhất là ở cơ sở nhằm làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của tổ chức, cá nhân và gia đình về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; mang lại hiệu quả thiết thực.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

(1) Đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

(2) Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

(3) Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt trên 95% công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

(4) 100% đơn vị cấp xã hàng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở.

(5) Hàng năm 100% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

(6) Hàng năm 100% cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

(Kèm theo Phụ lục 1)

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

- Tuyên truyền, giáo dục cho các gia đình và thành viên trong gia đình về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cống hiến vì lợi ích cộng đồng, xã hội nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, góp phần hạn chế tệ nạn xã hội.

- Đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đạo đức, lối sống về phát triển gia đình. Nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, tình làng nghĩa xóm thương yêu nhau. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” và các mô hình tiêu biểu như: “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” tạo sự gắn kết giữa các thành viên gia đình.

- Hàng năm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” và “Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” (25/11) với các hình thức đa dạng, thiết thực tạo được hiệu ứng xã hội nhằm tôn vinh các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

- Phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lý tưởng, đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình.

- Thường xuyên nêu gương người tốt, phê phán những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, quan hệ gia đình, dòng tộc ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình; phê phán các hành vi lệch chuẩn, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, các giá trị văn hóa truyền thống và các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

- Thống nhất nhận thức, hành động của các cấp, các ngành trong việc giáo dục đạo đức, lối sống. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, khóm, ấp, tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản trong việc tuyên truyền, phổ biến truyền cảm hứng cho các thành viên trong gia đình, xã hội về đạo đức, lối sống. Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại tác động đến gia đình. Đặc biệt là tuyên truyền thông qua hệ thống Trạm Truyền thanh của các xã, phường, thị trấn các nội dung về công tác gia đình, đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình…

- Chú trọng ngăn ngừa những thông tin và sản phẩm xấu tác động vào gia đình. Lồng ghép tuyên truyền về gia đình vào hệ thống các trường học; phổ biến, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng gia đình là môi trường an toàn cho trẻ em; bài trừ lối sống vị kỷ, thực dụng.

2. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác gia đình; chú trọng hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong tình hình mới.

[...]