Kế hoạch 100/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình 226-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” do tỉnh Hậu Giang ban hành

Số hiệu 100/KH-UBND
Ngày ban hành 02/05/2024
Ngày có hiệu lực 02/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 02 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 226-CTR/TU NGÀY 12/01/2024 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43-NQ/TW NGÀY 24/11/2023 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XIII VỀ “TIẾP TỤC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC TA NGÀY CÀNG PHỒN VINH, HẠNH PHÚC”

Thực hiện Chương trình số 226-CTr/TU ngày 12/01/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” (gọi tắt là Chương trình 226-CTr/TU).

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình 226-CTr/TU, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Chương trình số 226-CTr/TU.

Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 43 -NQ/TW, Chương trình số 226-CTr/TU.

Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Chương trình số 226-CTr/TU.

2. Yêu cầu

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 43-NQ/TW, Chương trình số 226-CTr/TU.

Cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình, đề án để thực hiện đầy đủ, toàn diện và đồng bộ các nội dung của Nghị quyết số 43-NQ/TW, Chương trình số 226-CTr/TU; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; bổ sung, cập nhật những chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp mới, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng tỉnh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2030 người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Đến năm 2050 người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

1.1. Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc; về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân về củng cố, tăng cường và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.2. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền; đổi mới và đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, giáo dục về truyền thống đại đoàn kết cho cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân. Phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, các loại hình văn hoá, nghệ thuật; phối hợp đồng bộ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc với tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, những thành tựu phát triển, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

1.3. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết những tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của cử tri và Nhân dân; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị ở cơ sở, cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo góp phần tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, động viên Nhân dân tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của địa phương, đất nước; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

1.4. Xây dựng đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy đảng các cấp, hệ thống chính trị và trong Nhân dân. Nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hành động chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Xây dựng định hướng chính sách, giải pháp đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tập trung định hướng chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp xã hội trong tỉnh.

2.1. Đối với giai cấp công nhân: Quan tâm chỉ đạo việc nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, bồi dưỡng tác phong công nghiệp, thực hiện “trí thức hóa công nhân”. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Bảo đảm tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ra đời và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tuân thủ pháp luật; phòng ngừa, kiên quyết xử lý việc lợi dụng tổ chức của người lao động để xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, gây mất an ninh, trật tự. Giải quyết việc làm, thực hiện tốt pháp luật lao động, bảo hộ lao động và việc chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho công nhân. Tăng cường đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của công đoàn và phát triển đảng trong công nhân. Chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện tốt chức năng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... đầu tư xây dựng nhiều khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa cho công nhân và người lao động; triển khai nhiều dự án, đề án hỗ trợ công nhân, người lao động; thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong các cơ quan, công ty, doanh nghiệp; quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần cho công nhân, công chức, viên chức nghèo nhân các dịp lễ, tết.

2.2. Đối với giai cấp nông dân: Xây dựng giai cấp nông dân Hậu Giang phát triển toàn diện, văn minh, tự chủ, tự lực, tự cường và có ý chí, khát vọng vươn lên; có trình độ và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; có trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật. Tăng cường thực hiện các chính sách điều tiết, hỗ trợ, tổ chức tốt việc tiêu thụ nông sản cho nông dân; đưa công nghệ sản xuất tiên tiến vào nông nghiệp, nông thôn; có chính sách điều chỉnh hợp lý việc sử dụng quỹ đất, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Mở rộng các loại hình đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và công nghệ thông qua các hoạt động khuyến nông, các trung tâm học tập cộng đồng và các điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, hợp tác xã do nông dân tuyên truyền, vận động thành lập. Các cấp ủy đảng tăng cường công tác chỉ đạo hội nông dân các cấp vận động hội viên phát huy truyền thống của giai cấp nông dân, thực hiện phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, do nông dân là chủ thể, xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự, 5 cùng” (Tự giác; tự nguyện; tự chủ; tự quản; tự chịu trách nhiệm và cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi), liên kết 4 nhà, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, từng bước tăng năng suất chất lượng hàng hóa nông sản; chính quyền tạo điều kiện cho nông dân mà nòng cốt là hội nông dân các cấp, huy động nguồn lực xã hội, cán bộ, hội viên và một phần ngân sách địa phương để tăng cường “Quỹ hỗ trợ nông dân”, giúp nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả; tham gia thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, nhân rộng các mô hình sản xuất, hợp tác, liên kết đạt hiệu quả, từng bước tiếp cận các dịch vụ của đô thị.

[...]