Kế hoạch 10/KH-UBND năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 10/KH-UBND
Ngày ban hành 21/01/2021
Ngày có hiệu lực 21/01/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 21 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM CỦA TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Văn bản số 7424/BYT-TCDS ngày 18/12/2019 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 29/01/2018 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

UBND tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN SỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Về quy mô dân số và mức sinh

Quy mô dân số tỉnh Vĩnh Phúc là 1.141.154 người (theo số liệu tổng điều tra dân số 01/4/2019). Kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Vĩnh Phúc tăng thêm 151.368 người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,41%/năm, cao hơn so với cả nước (cả nước là 1,14%/năm), tăng so với giai đoạn 10 năm trước (0,4%/năm).

Tổng tỷ suất sinh (TFR) của Vĩnh Phúc có xu hướng tăng năm 2010 là 2,06 con; năm 2015 là 2,25 con; năm 2019 là 2,39 con/phụ nữ. Xu thế giảm sinh tiếp tục được duy trì, tỷ suất sinh thô toàn tỉnh năm 2010 là 18,9‰ đến năm 2019 còn 17,2‰; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên có chiều hướng gia tăng, năm 2010 là 8,49%, năm 2019 là 16,23%, tăng khoảng 7,74% so với năm 2010.

2. Về cơ cấu dân số

Nằm trong xu thế chung của cả nước dân số tỉnh Vĩnh Phúc đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2019 dân số dưới 15 tuổi chiếm 27,6% dân số, số người 15-64 tuổi chiếm 64,3% tổng dân số, dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 8,1%. Đồng thời, bước vào thời kỳ già hoá, số người trên 65 tuổi chiếm 8,1% tổng dân số.

Bước đầu kiểm soát được mức tăng tỉ số giới tính khi sinh, hàng năm đạt kế hoạch về tốc độ giảm tỉ số giới tính khi sinh (năm 2010 ở mức 115,37 trẻ em trai/100 trẻ em gái; năm 2019 là 113,44 trẻ em trai/100 trẻ em gái nhưng vẫn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, cả nước năm 2019 là 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái).

3. Chất lượng dân số

Chất lượng dân số của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt cả về thể lực và trí lực, thông qua các chương trình, đề án chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng dân số. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số có tiến bộ đáng kể, chỉ số phát triển con người (HDI) xếp hạng trong tốp 10 tỉnh, thành đứng đầu trong cả nước (Năm 2004 đứng thứ 12/64 tỉnh, thành phố trong cả nước). Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em đạt cao, vượt mục tiêu chương trình đề ra; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm được cải thiện; tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn tiền hôn nhân đạt 82,8%; năm 2019 có 58,68% số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh và 86% phụ nữ mang thai được được sàng lọc trước sinh; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt trên 60% tổng số người cao tuổi, có khoảng 90% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

4. Về phân bổ dân số

Phân bố dân cư, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Mật độ dân số của tỉnh là 932 người/km², đã tăng 120 người/km² so với năm 2009, phân bố không đều, tập trung đông ở khu vực thành thị; tuy nhiên tỷ lệ dân số sống ở thành thị còn thấp. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 Vĩnh Phúc có 294.994 người sống ở khu vực thành thị (KVTT), đạt 25,63% và dân số khu vực nông thôn (KVNT) là 856.160 người, chiếm 74,37%. Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số thành thị tăng 3,18 điểm phần trăm. Trong khi đó, trên phạm vi toàn quốc, KVTT tăng 4,8 điểm. Như vậy, tốc độ đô thị hóa trong 10 năm qua ở tỉnh chậm hơn so với cả nước.

Các địa phương có số dân thành thị chiếm tỷ trọng thấp (chỉ từ 1 đến dưới 10% dân số của huyện), cụ thể các huyện như: Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc và Sông Lô.

5. Công tác truyền thông, giáo dục về dân số

Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số được triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động, sản phẩm truyền thông đa dạng; các mô hình về dân số hoạt động hiệu quả; các phương tiện thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng cùng hàng vạn pano, áp phích, tờ rơi, các cuộc mít tinh, diễu hành,... đã đưa thông điệp “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con” lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội.

6. Dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)

Tổ chức mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từ tuyển tỉnh đến tuyến xã đã từng bước củng cố, phát triển đáp ứng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho nhân dân. Đảm bảo tính sẵn có của dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ sinh sản thiết yếu cơ bản, 100% trạm Y tế xã/phường/thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh. Đa dạng các biện pháp tránh thai để tăng sự lựa chọn cho người dân thông qua triển khai thực hiện xã hội hóa. Tổ chức cung cấp các phương tiện tránh thai ở kênh miễn phí cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, cung ứng phương tiện tránh thai qua kênh tiếp thị xã hội cho các đối tượng còn lại có khả năng chi trả để có biện pháp tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản có chất lượng cao nhằm giảm gánh nặng ngân sách của nhà nước được nhân dân hưởng ứng.

Đến nay, tất cả bệnh viện tuyến tỉnh (trừ các bệnh viện chuyên khoa), Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã thực hiện cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh theo hình thức xã hội hóa cho các đối tượng có nhu cầu; đến nay tỷ lệ sàng lọc trước sinh chiếm 86% số bà mẹ mang thai; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh chiếm 58,68% số trẻ em sinh ra.

7. Công tác tổ chức, quản lý, điều hành

Hệ thống tổ chức, nhân sự làm công tác dân số được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Có chính sách đãi ngộ với đội ngũ cộng tác viên dân số tại các thôn, tổ dân phố.

Trong giai đoạn 2011-2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành đồng bộ hệ thống các văn bản nhằm cụ thể hóa các chính sách, kế hoạch, đề án phù hợp định hướng của trung ương và tình hình thực tiễn tại địa phương. Các văn bản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các cấp, các ban ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện. Chỉ tiêu kế hoạch công tác Dân số - KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản hàng năm được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp. Chính sách về dân số được đưa vào hương ước quy ước của thôn, tổ dân phố.

II. HẠN CHẾ, BẤT CẬP

1. Kết quả giảm sinh chưa đảm bảo được tính bền vững, số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ không đạt mức sinh thay thế (2,39 con/phụ nữ năm 2019) và có nguy cơ tăng sinh trở lại (tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,41%/năm, tăng so với giai đoạn 10 năm trước (0,4%/năm); tỷ lệ trẻ mới sinh là con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở một số địa bàn, hộ gia đình có kinh tế khá giả.

[...]