Kế hoạch 09/KH-UBND về nâng cao chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2020 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 09/KH-UBND
Ngày ban hành 13/01/2020
Ngày có hiệu lực 13/01/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Sơn La, ngày 13 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG NĂM 2020

Thực hiện Thông báo kết luận số 614-TB/TU ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 01/12/2014 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính; Quyết định số 3019/QĐ-UBND ngày 12/12/2019 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh Sơn La năm 2020.

Nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công năm 2020 (Chỉ số PAPI) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, thống nhất, nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với nhân dân.

Phấn đấu Chỉ số PAPI của tỉnh năm 2020 tiếp tục tăng bậc so với năm 2019.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh.

2. Yêu cầu

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường sự chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, xác định cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã.

Kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền, đặc biệt ở 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện các cấp, các ngành cần chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, tuyệt đối không được chung chung, hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên nắm bắt, kịp thời phát hiện, đề xuất bổ sung những giải pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.

Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của sở, ngành, huyện, thành phố và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”

1.1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện tốt Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tuyên truyền, triển khai các hình thức thích hợp (công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp, tiếp xúc với nhân dân...), tạo điều kiện cho nhân dân được biết, được bàn, được tham gia thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, để nhân dân nói lên nguyện vọng, phản ánh kiến nghị, tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, các cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như của địa phương.

1.2. Các cấp, các ngành tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định, văn bản của Đảng và Nhà nước ở cơ sở; xem xét, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.

1.3. Tập trung tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri rộng rãi, dân chủ hơn, tạo cơ hội cho mọi công dân trong khu dân cư tham gia thảo luận, theo dõi, giám sát việc xây dựng mới hoặc tu sửa các công trình công cộng diễn ra ở địa bàn. Thực hiện nghiêm túc việc bầu cử Trưởng bản, tiểu khu, tổ dân phố theo định kỳ.

2. Nội dung “Công khai, minh bạch”

2.1. Thực hiện điều tra, rà soát, bình xét và công nhận hộ nghèo hàng năm đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, thời gian, cách thức thực hiện và đối tượng. Xem xét xử lý trách nhiệm những người thống kê, điều tra lập danh sách những trường hợp không phải hộ nghèo vào danh sách hộ nghèo.

2.2. Thực hiện công khai danh sách hộ nghèo tại trụ sở UBND cấp xã, điểm sinh hoạt cộng đồng khu dân cư... đảm bảo quy định về thời gian công khai, nội dung công khai, địa điểm công khai. Công khai kịp thời những thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để nhân dân biết, nhân dân bàn, giám sát thực hiện.

2.3. Thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã. Bảo đảm việc niêm yết công khai danh mục thu, chi cụ thể, chi tiết, hình thức công khai phải phù hợp, thuận tiện để người dân có thể tiếp cận và giám sát.

2.4. Thực hiện đúng quy định về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Tiếp thu đầy đủ, giải trình, thông tin kịp thời, xem xét điều chỉnh và công khai để người dân được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.

2.5. Đối với quy hoạch đất đai và các dự án liên quan đến đất đai trên địa bàn phải công khai các quy hoạch đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện công bố, công khai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và tại trụ sở UBND cấp xã. Phải công khai và thông báo cụ thể về mục đích sử dụng đất, mức giá đền bù khi thu hồi đất. Công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư.

2.6. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng, đất tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

3. Nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân”

3.1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 của Chính phủ về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 của Chính phủ.

[...]