Kế hoạch 07/KH-UBND năm 2023 về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 07/KH-UBND
Ngày ban hành 10/01/2023
Ngày có hiệu lực 10/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/KH-UBND

Lào Cai, ngày 10 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CƠ GIỚI HÓA TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2023-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lượng phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ thực trạng phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa. Tập trung phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

- Phát triển cơ giới hóa phải gắn với quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn với chuỗi giá trị thông qua các mô hình liên kết tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn.

- Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển cơ giới hóa nông nghiệp (chế tạo máy; trang bị máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất).

- Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, hiệu quả và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

Cơ giới hóa nông nghiệp đối với từng lĩnh vực sản xuất:

+ Trồng trọt: Sản xuất cây trồng chính đạt trên 50% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 40% năm 2030.

+ Chăn nuôi: Sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 70% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt 50% năm 2030 ở các trang trại.

+ Thủy sản: Cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 50% năm 2025, đạt 70% năm 2030.

+ Lâm nghiệp: Các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 25% năm 2025, đạt 40% năm 2030.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Cơ giới hóa các ngành sản xuất

1.1. Trồng trọt (Đối với các loại cây trồng chính, cây trồng chủ lực, vùng có điều kiện sản xuất, lao động thuận lợi):

- Khâu làm đất: Cơ bản được cơ giới hóa, chuyển dần sử dụng máy kéo 2 bánh sang máy kéo 4 bánh có năng suất, hiệu quả, mức độ cơ giới hóa làm đất bình quân đạt trên 70% năm 2025, đạt trên 80% năm 2030. Riêng cây lúa tỷ lệ cơ giới hóa đạt trên 85% năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030.

- Khâu gieo trồng: Chuyển dần từ gieo trồng bằng công cụ thủ công sang sử dụng máy gieo hạt, máy cấy đưa mức độ cơ giới hóa khâu gieo trồng đạt 30% năm 2025. Tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt 40% năm 2030.

- Khâu chăm sóc: Đến năm 2030 ước đạt 70%. Sử dụng các loại máy phun thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng bảo đảm theo quy chuẩn kỹ thuật đạt trên 85% năm 2025. Sử dụng máy kéo đa năng chăm sóc (vun, xới) đạt 60% năm 2025. Đưa công nghệ tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa) để áp dụng nhanh mô hình tưới nước cho một số cây trồng chính đạt 40% năm 2025.

- Khâu thu hoạch: Đến năm 2030 ước đạt 40%. Riêng cây lúa thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 40% vào năm 2025, đạt 60% năm 2030 chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp có tính năng kỹ thuật cao, mức độ gặt sót dưới 1,5%.

1.2. Chăn nuôi

- Áp dụng máy, thiết bị cho chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, có kỹ thuật và công nghệ phù hợp để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

- Áp dụng cơ giới hóa trong các trang trại chăn nuôi tập trung:

[...]