ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/KH-UBND
|
Quảng
Ngãi, ngày 18 tháng 01 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG
NGÃI NĂM 2018
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày
06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 -
2020; Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của Hội
đồng nhân dân tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 4 về việc thông qua Kế hoạch thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng
Ngãi giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND
tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền
vững giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU, CHỈ
TIÊU
1. Mục tiêu:
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải
pháp để giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập,
tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội
cơ bản, phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 để góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn
2016 - 2020.
2. Chỉ tiêu cần đạt đến cuối năm
2018:
a) Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn
tỉnh 1,59%, riêng các huyện miền núi giảm 5,47% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa
chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
b) Phấn đấu có 02 xã và 03 thôn đặc
biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn
vào cuối năm 2018.
c) Các chỉ tiêu về đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã,
thôn thuộc Chương trình phù hợp với quy hoạch sản xuất, trong đó:
- 97,28% xã có đường ô tô đến trung
tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật của Bộ Giao
thông vận tải.
- 69,86% thôn có trục giao thông được
cứng hóa theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
- 81,5% xã đạt tiêu chí quốc gia về y
tế.
- 99,5% xã có trạm y tế đủ điều kiện
khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu
tư đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho 73% diện tích cây trồng hàng năm.
d) 230 người đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc
thiểu số, trong đó 65% lao động đi làm việc nước ngoài.
đ) 33,33% xã nghèo có điểm thông tin
truyền thông cổ động ngoài trời.
e) 100% cán bộ làm công tác giảm
nghèo cấp xã, trưởng thôn được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ
chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có
sự tham gia; xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng.
f) 100% cán bộ xã làm công tác thông
tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên
truyền cổ động; 03 huyện và 40 xã có trang bị phương tiện tác nghiệp tuyên truyền
cổ động.
g) 84,15% hộ gia đình được sử dụng nước
sinh hoạt hợp vệ sinh.
h) 100 hộ nghèo dân tộc thiểu số được
hỗ trợ phương tiện nghe - nhìn.
II. NỘI DUNG VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Các dự án thuộc Chương trình mục
tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2018 thuộc nguồn vốn ngân sách Trung
ương, tổng kinh phí bố trí: 275.669 triệu đồng (theo Quyết định số
2465/QĐ-BTC ngày 29/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu
chi ngân sách nhà nước năm 2018).
1.1. Vốn đầu tư phát triển:
183.411 triệu đồng:
a) Dự án 1 (Chương trình 30a) là: 124.291 triệu đồng, cụ thể:
- Tiểu dự án 01: Hỗ trợ đầu tư cơ sở
hạ tầng các huyện nghèo: 105.291 triệu đồng.
- Tiểu dự án 02: Hỗ trợ đầu tư cơ sở
hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo: 19.000 triệu
đồng, phân bổ cho 19 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định
số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Dự án 2 (Chương trình 135): Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã
ATK, các thôn, bản đặc biệt khó khăn là: 59.120 triệu đồng.
Thực hiện trên địa bàn 50 xã, 47 thôn thuộc 07 huyện của tỉnh Quảng Ngãi.
1.2. Vốn sự nghiệp: 92.258 triệu đồng:
a) Dự án 1 (Chương trình 30a):
Tổng kinh phí thuộc ngân sách Trung ương
thực hiện Dự án 1: 69.413 triệu đồng, phân bổ cho từng tiểu dự án như sau:
- Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư CSHT
huyện nghèo đối với kinh phí duy tu bảo dưỡng các công trình CSHT huyện nghèo
là: 11.439 triệu đồng.
- Tiểu dự án 2: Hỗ trợ đầu tư CSHT xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo,
kinh phí bố trí duy tu bảo dưỡng các công trình CSHT xã ĐBKK thuộc Chương trình
30a là: 1.145 triệu đồng.
- Tiểu dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản
xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tổng kinh phí bố trí
là: 52.394 triệu đồng,
- Tiểu dự án 4: Hỗ trợ cho lao động
thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời
hạn nước ngoài, kinh phí bố trí thực hiện: 4.435 triệu đồng.
b) Dự án 2 (Chương trình 135):
Tổng kinh phí thuộc ngân sách Trung
ương thực hiện Dự án 2: 19.752 triệu đồng, phân bổ cho từng tiểu dự án như sau:
- Tiểu dự án 1: Hỗ trợ duy tu bảo dưỡng
các công trình CSHT xã, thôn ĐBKK là: 2.994 triệu đồng.
- Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản
xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn Chương
trình 135: Tổng kinh phí bố trí là: 13.565 triệu đồng, cụ thể thực hiện cho các
hoạt động: Phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế: 10.852 triệu đồng; nhân rộng
mô hình giảm nghèo: 2.713 triệu đồng.
- Tiểu dự án 3: Nâng cao năng lực cán
bộ ở cơ sở và cộng đồng, kinh phí bố trí: 3.193 triệu đồng.
c) Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm
nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135):
Tổng kinh phí bố trí cho Dự án 3 là
680 triệu đồng, cụ thể thực hiện cho các hoạt động: Hỗ trợ phát triển sản xuất:
272 triệu đồng; hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo: 408 triệu đồng.
d) Dự án 4 (Truyền thông và giảm nghèo về thông tin):
Tổng kinh phí bố trí cho Dự án 4 là:
1.259 triệu đồng, cụ thể thực hiện cho các hoạt động: Truyền thông về giảm
nghèo: 509 triệu đồng; giảm nghèo về thông tin: 750 triệu đồng.
e) Dự án 5 (Nâng cao năng lực
và giám sát, đánh giá): Kinh phí bố trí là: 1.154
triệu đồng.
2. Nguồn vốn địa phương:
Đối với nguồn vốn đầu tư cho các dự
án thuộc Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Giảm nghèo bền vững năm 2018 thuộc ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) bằng
15% so với ngân sách Trung ương (theo quy định tại Quyết định số 38/2017/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh): 41.350 triệu đồng, trong đó, ưu tiên hợp phần hỗ trợ phát triển sản
xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, cụ thể:
- Đối với hợp phần hỗ trợ phát triển
sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (Tiểu dự án
3 của Dự án 1, Tiểu dự án 2 của Dự án 2 và Dự án 3) nguồn vốn
ngân sách địa phương đối ứng 50% NSTW là: 33.320 triệu đồng; trong đó ngân sách
tỉnh 50% của NSĐP đối ứng: 16.660 triệu đồng, ngân sách huyện 30% của NSĐP đối ứng:
9.996 triệu đồng, ngân sách xã 20% của NSĐP đối ứng: 6.664 triệu đồng.
- Dự án Truyền thông và giảm nghèo về
thông tin: 500 triệu đồng, bố trí cho hoạt động giảm nghèo về thông tin.
- Dự án Nâng cao năng lực và giám
sát, đánh giá thực hiện Chương trình: 1.357 triệu đồng (đã bố trí nguồn kinh
phí đảm bảo xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho nội dung điều
tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hằng năm).
- Đối với hỗ trợ
đầu tư cơ sở hạ tầng của Tiểu dự án 1 của Dự án 1, Tiểu dự án 2 của Dự án 1, Tiểu
dự án 1 của Dự án 2: 6.173 triệu đồng (đối ứng nguồn ngân sách tỉnh).
3. Các chính sách giảm nghèo
chung:
Thực hiện đảm bảo các chính sách giảm
nghèo chung gồm: Chính sách tín dụng ưu đãi; Chính sách hỗ trợ làm nhà ở theo
Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ giáo dục
cho người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số, người sống ở xã ĐBKK; Chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; Chính sách dạy nghề cho người
nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người nghèo ở
xã, thôn, bản ĐBKK thông qua Đề án dạy nghề cho lao động
nông thôn; Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số
theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ tiền
điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội và Chính sách trợ cấp bảo trợ xã hội
theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Tổng kế hoạch kinh phí thực hiện chính sách giảm nghèo chung năm 2018 là: 1.172.528 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 1.079.543 triệu đồng, ngân sách tỉnh:
50.841 triệu đồng, ngân sách huyện: 7.000 triệu đồng và vốn huy động khác:
35.144 triệu đồng.
(Chi tiết thực hiện đối với từng
chính sách giảm nghèo chung và kế hoạch giảm hộ
nghèo theo huyện, thành phố năm 2018 theo phụ lục 02, 03 đính kèm).
III. TỔNG KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2018 là: 1.489.547 triệu
đồng, chia theo nội dung chính sách:
1. Kinh
phí thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm
nghèo bền vững: 317.019 triệu đồng (vốn sự nghiệp: 127.935 triệu đồng; vốn đầu
tư phát triển: 189.084 triệu đồng), phân theo nguồn kinh
phí như sau:
- Ngân sách Trung ương: 275.669 triệu
đồng (vốn sự nghiệp: 92.258 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển: 183.411 triệu đồng);
- Ngân sách tỉnh: 24.690 triệu đồng
(vốn sự nghiệp: 18.517 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển: 6.173 triệu đồng);
- Ngân sách huyện: 9.996 triệu đồng
(vốn sự nghiệp);
- Ngân sách xã: 6.664 triệu đồng (vốn
sự nghiệp).
2. Kinh
phí thực hiện các chính sách giảm nghèo chung: 1.172.528 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách Trung ương (bổ sung có mục
tiêu): 1.079.543 triệu đồng;
- Ngân sách tỉnh: 50.841 triệu đồng;
- Ngân sách huyện: 7.000 triệu đồng;
- Vốn huy động (Đề án nhà ở): 35.144
triệu đồng.
(Chi tiết kinh phí thực hiện từng
dự án, chính sách theo phụ lục 01, 02 đính kèm).
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Thực
hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận
thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp triển khai thực hiện
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhất là cán bộ cấp cơ sở nhằm
phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu của Kế hoạch.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên
truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo nói chung và người nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn nói riêng; trong đó, tập trung tuyên
truyền mục đích, ý nghĩa và nội dung thực hiện Đề án khuyến
khích thoát nghèo bền vững theo phương châm “người nghèo
càng tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thì càng được hỗ trợ
nhiều từ kinh phí nhà nước” trên địa bàn huyện: Sơn Tây và Tây Trà năm 2018;
Chính sách hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng đối với gia đình, thôn, xã, huyện
thoát nghèo ở vùng núi để hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không
trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nêu gương, động viên, khen thưởng
kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo phát triển kinh tế bền
vững, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên,
không muốn thoát nghèo
2. Tổ chức
thực hiện tốt, có hiệu quả các Dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm
nghèo bền vững theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg được ngân sách Trung ương bố trí
vốn năm 2018, đặc biệt chú trọng đến hoạt động hỗ trợ phát
triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc thành
phần dự án của Chương trình cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng
hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua các dự án do cộng đồng đề
xuất Cộng đồng có thể là nhóm hộ, tổ nhóm hợp tác do các tổ chức chính trị-xã hội
làm đại diện hoặc thôn, bản, được UBND cấp xã chứng thực (trong đó tỷ lệ hộ
không nghèo tham gia nhóm hộ, tổ, nhóm hợp tác tối đa là 30%). Người đại diện của cộng đồng là tổ trưởng, trưởng nhóm do các thành viên
cộng đồng bầu ra. Hộ không nghèo tham gia dự án là hộ có kinh nghiệm làm kinh tế
giỏi do cộng đồng đề xuất;
- Tăng cường sự tham gia của người
dân trong các hoạt động, từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế
hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Hạn chế hỗ trợ không
điều kiện và bình quân chia đều, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện tùy thuộc vào
nỗ lực và hiệu quả của các nỗ lực tự thân của từng hộ gia đình (hộ nhận hỗ
trợ phải có đơn đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo); không chỉ hỗ trợ đầu
vào cho sản xuất mà còn chú trọng hỗ trợ cho đầu ra của sản phẩm (cho thu hoạch,
bảo quản, phát triển thị trường,...). Đối với nội dung hỗ trợ giống cây trồng,
vật nuôi, chỉ tập trung hỗ trợ các loại giống vật nuôi là gia súc có khả năng
sinh lợi cao như bò, dê, heo... để hộ có thể thoát nghèo bền vững; hạn chế tối đa việc hỗ trợ các loại giống cây trồng khó mang lại
hiệu quả thấp, quy mô nhỏ lẻ, chu kỳ thu hoạch quá dài; tập trung vào cây trồng
đem lại việc hưởng thụ nhiều năm và thu nhập bền vững như các loại cây quế,
chè, cây dược liệu, cây ăn quả, nhất là cây mít thái, cây bơ... Xây dựng và
nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng
hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hoạt động tập huấn, chuyển
giao kỹ thuật, định hướng cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Các dự án phát triển sản xuất, đa dạng
hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo phải đảm bảo: Phù hợp với quy hoạch
phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất tái cơ cấu ngành
nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đối với các dự án nhân rộng
mô hình giảm nghèo phải mang tính đặc thù, phù hợp với lợi thế so sánh của từng
vùng miền hoặc là mô hình liên kết phát triển sản xuất,
phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cộng đồng và
doanh nghiệp hoặc là mô hình giảm nghèo gắn với củng cố quốc phòng, an ninh;
phù hợp với điều kiện, đặc điểm, nhu cầu sản xuất của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ
mới thoát nghèo; đảm bảo công khai, dân chủ, có sự tham gia và cam kết của người
dân trong việc xây dựng và thực hiện dự án; ưu tiên hộ tham gia dự án có điều
kiện về cơ sở vật chất, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng với nội dung của dự
án và cam kết thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký.
3. Tập
trung chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả dự án, tiểu dự án đầu
tư cơ sở hạ tầng (lưu ý, trong quá trình thực hiện cần phải nghiêm túc thực hiện bước lấy ý kiến của cộng đồng dân cư được hưởng lợi từ dự án, tiểu dự án); thi công công trình phải đảm bảo tiến độ, chất lượng, giải ngân theo
đúng kế hoạch vốn được giao; công trình sau khi hoàn thành phải bàn giao cho
thôn, xã, cộng đồng dân cư quản lý, sử dụng; có biện pháp
nghiêm cấm xe tải trọng nặng (vượt trọng tải thiết kế của tuyến đường) lưu thông trên các tuyến đường giao
thông nông thôn nhằm đảm bảo tuyến đường sử dụng lâu dài, ổn
định.
4. Lồng
ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung và các chính sách giảm
nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền
vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác...
5. Triển
khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, đặc biệt ở
vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản
cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch
bệnh, thiên tai nhằm tránh và giảm thiểu thiệt hại do yếu tố khách quan mang lại.
Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên
tai, dịch bệnh. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách ưu đãi về giáo
dục đối với các học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy
định của Chính phủ; tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên con hộ
nghèo có thành tích học tập xuất sắc từ quỹ khuyến học, nguồn xã hội hóa. Thực
hiện tốt việc cấp thẻ và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận
nghèo.
6. Bố trí
phần ngân sách đối ứng của địa phương đảm bảo 15% ngân sách Trung ương theo quy
định tại Quyết định 38/2017/QĐ-UBND ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh, Quyết định
135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh.
7. Tổ chức
thực hiện có hiệu quả: Quy định về hỗ trợ, biểu dương, khen thưởng đối với hộ
gia đình, thôn, xã, huyện thoát nghèo ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn
2016 - 2020; Đề án thực hiện thí điểm Chính sách khuyến
khích hộ nghèo tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để tăng thu nhập và vươn lên
thoát nghèo bền vững trên địa bàn 02 huyện: Sơn Tây và Tây
Trà trong năm 2018 để đánh giá, tổng kết và nhân rộng trên
các địa bàn các địa phương khác trong những năm tiếp theo.
8. Tập
trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm
nghèo ở cấp xã; trong đó cần chú trọng tập huấn các văn bản mới mới để đảm bảo
cán bộ có đủ trình độ, năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chương trình. Tập
huấn, nâng cao năng lực cho cộng đồng trong việc áp dụng
kiến thức mới, kỹ thuật mới trong phát triển sản xuất phù hợp với vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; phát huy vai trò làm chủ của người
dân, sử dụng tốt công cụ giám sát của cộng đồng trong việc giám sát, đánh giá.
9. Thực
hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn đảm bảo thực hiện Chương trình theo Kế
hoạch được duyệt theo Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh.
Tăng cường vận động các nguồn lực ngoài ngân sách, các doanh nghiệp, các nhà hảo
tâm để hỗ trợ cho huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, nhất là ở khu vực
miền núi và hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
10. Tăng
cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện ở các cấp (tỉnh,
huyện, xã) gắn với đánh giá giữa kỳ (2016 - 2018), trong đó tập trung kiểm tra,
đánh giá hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng
mô hình giảm nghèo; sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác
tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc
gia Giảm nghèo bền vững tỉnh):
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban
ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Kế hoạch; theo
dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách, dự án của Kế hoạch;
tổ chức kiểm tra, giám sát và kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử
lý các vướng mắc (nếu có); tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch định kỳ,
đột xuất cho UBND tỉnh và Trung ương (sơ kết 6 tháng trước ngày 05/7/2018, tổng
kết năm trước ngày 25/12/2018).
2. Các sở,
ban, ngành, địa phương:
- Theo chức năng, nhiệm vụ được phân
công tại Quyết định số 135/QĐ-UBND ngày 13/02/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Kế
hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày
10/10/2017 của Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh ban
hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc
gia tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 có trách
nhiệm xây dựng giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đạt
hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã nghèo, thôn đặc
biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát theo đúng
chức năng được phân công và báo cáo cấp thẩm quyền theo đúng thời gian quy định.
- Hướng dẫn cho các địa phương tổ chức
triển khai thực hiện Kế hoạch năm 2018 đạt mục tiêu đề ra, nhất là Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn căn cứ vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Kế hoạch
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và yêu cầu của
hợp phần phát triển sản xuất của Chương trình để hướng dẫn cụ thể, chi tiết từng
nội dung trong hợp phần phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để các địa phương thực hiện thuận lợi.
3. UBND
các huyện, thành phố:
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 tại địa phương
(hoàn thành trong tháng 01 năm 2018); định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng (trước
ngày 15/6), cuối năm (trước ngày 15/12) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (thông
qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) kết quả thực hiện tại địa phương.
- Báo cáo Thường trực các huyện,
thành ủy để theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh những
sai sót, chậm trễ, không hiệu quả trong quá trình thực hiện
để đạt kết quả tốt nhất.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo UBND (thông qua Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội) để chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ, ngành Trung ương
theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội (b/cáo);
- Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo (Bộ Lao động - TB&XH);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành là thành viên BCĐ các CTMTQG tỉnh giai
đoạn 2016-2020;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP, các P. Ng/cứu, CB;
- Lưu VT, KT.toan04.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Trường Thọ
|