Kế hoạch 02/KH-TLĐ năm 2013 tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XI Công đoàn Việt Nam do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 02/KH-TLĐ
Ngày ban hành 13/03/2012
Ngày có hiệu lực 13/03/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Đặng Ngọc Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Căn cứ quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; trên cơ sở ý kiến thảo luận, kết luận của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 4-5/01/2012, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Kế hoạch Tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XI Công đoàn Việt Nam như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP

1. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các Nghị quyết của Ban Chấp hành TW Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào phong trào CNVCLĐ. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hoạt động của tổ chức công đoàn; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tập hợp rộng rãi CNLĐ vào tổ chức công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh.

2. Đại hội công đoàn các cấp có nhiệm vụ đánh giá đúng thực trạng tình hình phong trào CNVCLĐ; kết quả thực hiện nghị quyết đại hội cấp mình, nghị quyết đại hội công đoàn cấp trên; rút ra những bài học kinh nghiệm về thành công, phân tích rõ yếu kém và nguyên nhân để xây dựng mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp các chỉ tiêu phấn đấu cho nhiệm kỳ tới.

3. Thông qua đại hội công đoàn các cấp lựa chọn bầu vào ban chấp hành công đoàn những cán bộ có đủ năng lực, trình độ, có khả năng tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội, có tâm huyết, nhiệt tình, có uy tín trong phong trào công nhân, công đoàn, dám đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ; tăng cường năng lực cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đặc biệt là chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; nâng cao uy tín, vị thế công đoàn trong xã hội và trên thế giới.

4. Đại hội công đoàn các cấp phải thực sự là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, rộng rãi, sôi nổi của đoàn viên, CNVCLĐ và tổ chức công đoàn. Đi đôi với việc tổ chức đại hội, công đoàn các cấp phải quan tâm đến việc góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp; giữ vững an ninh quốc phòng, góp phần phát triển KT-XH của đất nước.

5. Phương châm của đại hội: Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thiết thực.

II. NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC VÀ THỜI GIAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP

1. Nội dung:

- Thảo luận, thông qua các báo cáo của ban chấp hành; quyết định phương hướng, nhiệm vụ của công đoàn nhiệm kỳ tới của cấp mình.

- Tham gia góp ý dự thảo các văn kiện của đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp.

- Đề xuất kiến nghị các nội dung, nhiệm vụ trình Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và nội dung sửa đổi Điều lệ CĐVN.

- Bầu ban chấp hành nhiệm kỳ mới của công đoàn cấp mình và bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.

2. Phương thức tiến hành:

- Đại hội công đoàn các cấp chỉ tổ chức 1 lần từ cấp cơ sở trở lên.

- Công đoàn các cấp đã hết nhiệm kỳ, chưa hết nhiệm kỳ, nơi có BCH công đoàn lâm thời được phép kéo dài hoặc tổ chức đại hội sớm để từng bước phù hợp với tiến độ đại hội nhiệm kỳ chung của toàn quốc. Thời gian kéo dài hoặc đại hội sớm theo kế hoạch này không được vượt quá quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam (công đoàn cấp trên cơ sở không quá 12 tháng, công đoàn cấp cơ sở không quá 06 tháng).

- Những công đoàn cấp trên cơ sở, hoặc CĐCS đại hội theo nhiệm kỳ 5 năm 1 lần nếu mới đại hội trong năm 2011 thì chỉ tổ chức hội nghị đại biểu.

- Những nơi chưa ổn định về tổ chức, cán bộ thì phải kiện toàn ổn định trước khi tiến hành đại hội. Trường hợp không tổ chức được đại hội thì công đoàn cấp trên trực tiếp xem xét quyết định cho mở hội nghị đại biểu để đóng góp dự thảo báo cáo và bầu đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên.

3. Một số yêu cầu cụ thể về nội dung, phương thức tổ chức đại hội.

3.1. Về chuẩn bị xây dựng, thảo luận báo cáo trình đại hội

- Về nguyên tắc, báo cáo phải được xây dựng từ cơ sở trở lên. Báo cáo của công đoàn các cấp cần xây dựng ngắn gọn, có phụ lục về kết quả hoạt động công đoàn số liệu để đại biểu theo dõi. Phải đánh giá rõ những vấn đề có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ như: Việc làm, tiền lương, điều kiện lao động, cơ chế dân chủ… kết quả thực hiện nghị quyết của đại hội công đoàn cấp mình trong nhiệm kỳ qua; rút ra khuyết điểm, yếu kém; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, bài học kinh nghiệm. Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, cần nêu rõ phương hướng chung, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ và giải pháp.

- Báo cáo cần làm rõ nhiệm vụ và giải pháp của tổ chức công đoàn. Tập trung vào những vấn đề phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS và những vấn đề người lao động quan tâm như: Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội.

- Trong quá trình thảo luận, công đoàn cấp dưới không nhất thiết phải thảo luận toàn bộ dự thảo báo cáo của công đoàn cấp trên, mà chỉ thảo luận những vấn đề sẽ được thảo luận, biểu quyết tại đại hội công đoàn cấp trên.

3.2. Về thảo luận tại đại hội

- Trong đại hội không tham luận, báo cáo thành tích, cần đi sâu thảo luận mục tiêu và biện pháp cụ thể trong dự thảo báo cáo; bổ sung những nội dung quan trọng cần được các cấp công đoàn quan tâm giải quyết và các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.

- Khuyến khích đối thoại, chất vấn những vấn đề cụ thể tại đại hội.

[...]