Hướng dẫn số 1473-TLĐLĐ/TB về quy trình tiến hành thành lập Công đoàn Tổng Công ty do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 1473-TLĐLĐ/TB
Ngày ban hành 02/12/1996
Ngày có hiệu lực 17/02/1996
Loại văn bản Thông báo
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Đặng Ngọc Chiến
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN
LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1473-TLĐLĐ/TB

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1996 

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH TIẾN HÀNH THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY

Thực hiện Chỉ thị 03/CT–TLĐ ngày 4–4–1996 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về việc thành lập các công đoàn Tổng công ty theo Quyết định 90, 91/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn quy trình tiến hành thành lập các công đoàn Tổng công ty như sau:

I. XÂY DỰNG ĐỀ ÁN THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY

1. Các công đoàn ngành nghề toàn quốc, Liên đoàn lao động tỉnh thành phố khi thành lập công đoàn Tổng công ty phải cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các Tổng công ty thành lập Ban trù bị thành lập công đoàn Tổng công ty, xây dựng đề án thành lập công đoàn Tổng công ty. Đề án phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp luật pháp (Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Điều lệ mẫu của Tổng công ty) Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các quy định, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Nội dung đề án cụ thể như sau:

– Thực trạng tình hình Tổng công ty theo quyết định của Chính phủ (nói rõ mô hình tổ chức, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, số lượng đơn vị thành viên và địa chỉ, số công nhân lao động...).

– Dự kiến phương án thành lập công đoàn Tổng công ty: mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ công đoàn, nội dung hoạt động, đối tượng, phạm vi chỉ đạo của công đoàn cơ sở thành viên, mối quan hệ hoạt động của công đoàn với Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc... và các Liên đoàn lao động địa phương (hoặc công đoàn ngành), dự kiến Ban chấp hành lâm thời, bộ máy công đoàn Tổng công ty và các điều kiện hoạt động.

Chú ý phải tăng cường cán bộ chủ chốt và chuyên trách từ cơ quan công đoàn ngành nghề toàn quốc (hoặc Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố) cho công đoàn Tổng công ty.

2. Đề án trình lên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phải được Thường vụ công đoàn ngành nghề toàn quốc (hoặc Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố) thông qua, và đã có sự trao đổi thống nhất với Tổng Giám đốc Tổng công ty.

II– THỦ TỤC TRÌNH, DUYỆT ĐỀ ÁN THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY

1. Công đoàn ngành nghề toàn quốc, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố phải có tờ trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đề nghị thành lập công đoàn Tổng công ty, kèm theo tờ trình cần có:

– Đề án thành lập công đoàn Tổng công ty, trong đó có danh sách các công đoàn cơ sở thành viên, số đoàn viên, danh sách Ban Chấp hành lâm thời và dự kiến bộ máy công đoàn Tổng công ty.

– Quyết định của Chính phủ, Bộ hoặc ủy ban nhân dân tỉnh thành phố về thành lập Tổng công ty.

– Chương trình hoạt động của Ban chấp hành lâm thời công đoàn Tổng công ty cho đến kỳ đại hội.

2. Về phân cấp và quyết định thành lập công đoàn Tổng Công ty.

– Đối với các công đoàn Tổng công ty thuộc công đoàn ngành nghề, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố thì Tổng Liên đoàn sẽ có văn bản đồng ý để Ban Thường vụ công đoàn ngành, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập theo quyết định mẫu của Tổng Liên đoàn ban hành. Văn bản đồng ý của Tổng Liên đoàn được gửi đến tất cả các Liên đoàn lao động, công đoàn ngành liên quan để có trách nhiệm thực hiện.

– Đối với các công đoàn Tổng công ty được chuyển từ công đoàn ngành nghề toàn quốc trước đây đang trực thuộc Tổng Liên đoàn thì Đoàn Chủ tịch xem xét ra quyết định chuyển đổi tên, hoặc thành lập mới cho phù hợp.

III. THỦ TỤC THỰC HIỆN CHUYỂN GIAO CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

1. Sau khi có văn bản đồng ý của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, các công đoàn ngành, trước khi ra quyết định thành lập công đoàn Tổng công ty phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

– Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn ngành nghề toàn quốc trực tiếp làm việc với Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố liên quan để thống nhất thực hiện văn bản của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc chuyển giao tổ chức các công đoàn cơ sở thành viên (trước do Liên đoàn lao động quản lý) về công đoàn Tổng công ty và thống nhất sự phân cấp chỉ đạo đối với công đoàn cơ sở thành viên của công đoàn Tổng công ty đóng trên địa bàn theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

Phải có biên bản chuyển giao công đoàn cơ sở giữa công đoàn ngành và Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố.

– Nếu các công đoàn cơ sở thành viên của Tổng công ty trước đây do một công đoàn ngành nghề khác chỉ đạo trực tiếp thì Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn ngành được ra quyết định thành lập công đoàn Tổng công ty phải làm việc với công đoàn ngành nghề liên quan để bàn bạc thống nhất thực hiện việc chuyển giao các công đoàn cơ sở về công đoàn Tổng Công ty.

2. Sau khi có quyết định thành lập cộng đoàn Tổng công ty, các công đoàn ngành, hoặc Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố (nếu công đoàn Tổng công ty do Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập) hướng dẫn công đoàn Tổng công ty tổ chức lễ ra mắt để chính thức đi vào hoạt động, hướng dẫn và tạo điều kiện để công đoàn Tổng công ty hoàn thành các thủ tục hành chính, điều kiện tổ chức và cán bộ...; thực hiện các nội dung hoạt động cho đến kỳ đại hội.

3. Các công đoàn ngành, Liên đoàn lao động tỉnh thành phố hàng tháng báo cáo tiến độ thực hiện Chỉ thị 03/CT–TLĐ cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đề xuất những vấn đề để Đoàn Chủ tịch có ý kiến giải quyết.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
ỦY VIÊN



 
Đặng Ngọc Chiến

 

 

6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ