Hướng dẫn 6460/HD-SGTVT năm 2018 thực hiện quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 6460/HD-SGTVT
Ngày ban hành 12/11/2018
Ngày có hiệu lực 12/11/2018
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Võ Khánh Hưng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6460/HD-SGTVT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 11 năm 2018

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA QUY ĐỊNH VỀ THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU TRONG PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2018);

Căn cứ Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia số QCVN 03:2012/BXD về Nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đô thị ban hành kèm Thông tư số 12/2012/TT-BXD ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia số QCVN 07:2016/BXD về Các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông ban hành kèm Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Căn cứ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số TCXDVN 104 : 2007 “Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế” ban hành kèm Quyết định số 22/2007/QĐ-BXD ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

Căn cứ Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam số TCVN 8819 : 2011 “Mặt đường bê tông nhựa nóng - Yêu cầu thi công và nghiệm thu”;

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tại Khoản 6, Điều 17 của Quyết định 09/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2014 và Điều 3 của Quyết định 30/2018/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2018,

Sở Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện Quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau:

Phần I

THẨM QUYỀN, CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT CỦA CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN

1. Đối với các dự án, công trình trải dài vừa trên phạm vi quản lý theo phân cấp cho các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các quận, huyện hoặc các tổ chức khác theo phân cấp thì việc chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ sẽ do Sở Giao thông vận tải chủ trì thực hiện trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các tổ chức khác có liên quan.

2. Trường hợp việc thi công lắp đặt công trình thiết yếu vừa nằm trên phạm vi quản lý theo phân cấp cho các đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải và vừa nằm trên phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân các quận, huyện hoặc các tổ chức khác theo phân cấp thì việc cấp giấy phép thi công sẽ do Sở Giao thông vận tải giải quyết.

3. Đối với việc đào đường để lắp đặt hệ thống cấp nước, thoát nước sinh hoạt, cáp thông tin - viễn thông, lắp đặt cáp điện hạ thế ngầm cho khách hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và thay mặt khách hàng làm các thủ tục về cấp phép thi công, không được yêu cầu khách hàng tự đi thỏa thuận, lấy ý kiến hoặc liên hệ để đề xuất cấp giấy phép thi công và phải chịu trách nhiệm về bản vẽ thiết kế kỹ thuật của mình.

4. Khi đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước, điện lực, viễn thông mới thì chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo cho chính quyền địa phương và trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân trong khu vực được biết về thời gian nhận hồ sơ lắp đặt và thiết kế chung cho toàn khu vực một lần (tránh cấp phép thi công nhiều lần gây lãng phí, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mất mỹ quan đô thị). Sau khi thi công xong tuyến ống chính và ống nhánh, cơ quan cấp giấy phép sẽ không cấp phép đào đường để lắp đặt ống nhánh trong thời gian 03 năm kể từ ngày hoàn thành tái lập mặt đường hoàn chỉnh.

5. Trường hợp không có tuyến cấp nước phân phối, ống cấp 3, thoát nước cả 2 bên đường, buộc phải đào băng ngang đường để lắp đặt hệ thống cấp nước, thoát nước, đối với đường có bề rộng trên 5,0m phải thiết kế ống lớn (ống cấp nước phải từ D50, ống nước thoát phải từ từ D300 trở lên) để khai thác tiếp cho các hộ khác. Nếu đã có đường ống cấp nước băng ngang đường đủ áp lực phải dùng ống dọc lề đường để khai thác tiếp, không được đào băng đường. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 phui đào băng đường là 100 mét. Các trường hợp đặc biệt cần đào băng đường nhỏ hơn khoảng cách trên, kể cả các rãnh nhỏ dùng bơm nước thải trên mặt đường khi thi công xây lắp các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý đường bộ. Đối với các trường hợp đấu ống nhánh liên tục (nhiều hơn 04 vị trí) dưới lòng đường (đối với các trường hợp ống không băng đường), đơn vị đề xuất phải cào bóc và thảm lại lớp bê tông nhựa nóng dày tối thiểu 05cm từ mép ngoài phui đào vào đến mép bó vỉa trên suốt chiều dài đoạn lắp đặt ống.

6. Đối với các tuyến đường, vỉa hè còn đang trong thời hạn hạn chế thi công đào đường: các cơ quan chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát nhu cầu lắp đặt mới đồng hồ nước, đồng hồ điện, cáp điện ngầm,... của tất cả các hộ dân, doanh nghiệp trên cùng một tuyến đường để đề xuất cấp phép thi công đồng bộ một lần trong năm. Đồng thời có giải pháp tái lập đảm bảo mỹ quan đô thị.

7. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay, vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Chủ đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thi công xây dựng công trình trực tiếp đến Sở Giao thông vận tải (thành phần theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND) để được giải quyết theo thời gian quy định.

8. Đối với việc xây dựng công trình trạm biến áp chuyên dùng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện trên cơ sở rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính theo Thỏa thuận liên ngành số 2670/TTLN-SCT-SGTVT-EVNHCMC ngày 28 tháng 3 năm 2017 giữa Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh, trừ trường hợp có hướng dẫn khác.

9. Vai trò, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ theo phân cấp

a) Kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn giao thông, sinh hoạt của người dân trong quá trình thi công; chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra để chủ động phát hiện kịp thời, xử lý theo quy định đối với các hành vi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không đúng quy định.

b) Các đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thay mặt Sở Giao thông vận tải, là cơ quan quản lý đường bộ, để thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND và các nội dung được hướng dẫn tại Văn bản này.

Phần II

VIỆC CHẤP THUẬN XÂY DỰNG VÀ CẤP GIẤY PHÉP THI CÔNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU

I. VỀ CHẤP THUẬN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THIẾT YẾU

1. Việc thi công các công trình thiết yếu, thi công lắp đặt trụ điện, trạm biến áp điện lực, trụ - tủ viễn thông, tủ hạ thế, tủ RMU, trụ viễn thông và trụ quảng cáo trên đất đường bộ quy định tại Khoản 5, Điều 4 Quyết định 09/2014/QĐ-UBND được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND/2014/QĐ-UBND:

a) Sở Giao thông vận tải chấp thuận xây dựng công trình trên tuyến đường do các đơn vị quản lý theo phân cấp trực thuộc Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các Quận, huyện chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu các tuyến đường, hẻm do Ủy ban nhân dân các quận, huyện quản lý.

[...]