Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Hướng dẫn 56/TĐKT-HD-V1 năm 2006 thực hiện Nghị định 121/2005/NĐ-CP hướng dẫn Luật thi đua, khen thưởng và luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật thi đua, khen thưởng do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ban hành

Số hiệu 56/TĐKT-HD-V1
Ngày ban hành 12/01/2006
Ngày có hiệu lực 12/01/2006
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương
Người ký Trịnh Trọng Quyền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BAN THI ĐUA - KHEN THƯỞNG
TRUNG ƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 56/TĐKT-HD-V1
V/v hướng dẫn Nghị định 121/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2006

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 121/2005/NĐ-CP NGÀY 30/9/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VÀ LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

Ngày 30 tháng 9 năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2005/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng (sau đây viết tắt: Nghị định 121/2005/NĐ-CP); Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương hướng dẫn một số nội dung thi hành Nghị định như sau:

I. HÌNH THỨC, NỘI DUNG, TIÊU CHUẨN DANH HIỆU THI ĐUA

1. Hình thức, nội dung tổ chức phong trào thi đua

Điều 8 Nghị định 121/2005/NĐ-CP quy định thi đua có 02 hình thức: thi đua thường xuyên và thi đua theo đợt.

Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt nhất công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Đối tượng thi đua thường xuyên áp dụng giữa các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một đơn vị, hoặc giữa các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, có tính chất công việc giống nhau hoặc gần giống nhau.

Thi đua thường xuyên cần được chia theo khối, cụm để giao ước thi đua. Thực hiện đăng ký giao ước thi đua giữa các cá nhân, tập thể, đơn vị: những cá nhân, tập thể có đăng ký thi đua thì mới được bình xét danh hiệu thi đua; kết thúc năm tiến hành tổng kết và bình xét các danh hiệu thi đua.

Thi đua theo đợt, thi đua theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm giải quyết tốt những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong một thời gian nhất định hoặc giải quyết những công việc khó khăn, bức xúc nhất; những việc còn yếu kém, tồn đọng; những việc mà đông đảo quần chúng nhân dân có nguyện vọng giải quyết như: phát động thi đua xóa nhà tranh tre, nứa, lá cho người nghèo; phát động chiến dịch thi đua làm thủy lợi; làm đường giao thông nông thôn; thi đua thực hiện tốt chủ trương cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước; phát động chiến dịch thi đua phòng chống dịch bệnh cho người, gia súc…

Thi đua theo đợt được phát động khi đã xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu và thời gian, nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra hoặc phát động thi đua theo các chuyên đề để giải quyết một nội dung cụ thể.

Tuỳ theo mục tiêu, phạm vi thi đua, thi đua theo đợt có thể tổ chức với quy mô rộng lớn, không bó hẹp trong một cơ quan, đơn vị mà có thể trong phạm vi một địa phương, một ngành hoặc cả nước. Hình thức tổ chức phát động thi đua phải thiết thực và đa dạng, phong phú có sức lôi cuốn nhiều người hăng hái thi đua. Cá nhân, tập thể nào hoàn thành sớm mục tiêu thi đua (về đích trước) phải được biểu dương, khen thưởng kịp thời.

Tổ chức một phong trào thi đua thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định 121/2005/NĐ-CP. Việc xác định chỉ tiêu thi đua phải có tính khả thi, chỉ tiêu đặt ra phải từ mức tiên tiến để từng cá nhân, tập thể phải nỗ lực, tích cực phấn đấu mới hoàn thành.

Chú trọng việc tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia và các điều kiện đảm bảo về tinh thần, vật chất cho phong trào thi đua; đồng thời tăng cường kiểm tra theo dõi quá trình tổ chức thực hiện, phát hiện nhân tố mới, xây dựng điển hình, chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm kịp thời.

Sơ kết, tổng kết thi đua thường xuyên hoặc thi đua theo đợt phải đánh giá đúng kết quả, tác dụng của phong trào thi đua; công khai lựa chọn, bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Tổ chức việc tuyên truyền phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm để học tập và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến.

2. Trách nhiệm của cơ quan thi đua các cấp đối với phong trào thi đua

Cơ quan chuyên môn làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp căn cứ vào nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm để tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, chính quyền về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp thi đua; đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền vận động; chủ động phối kết hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc hướng dẫn tổ chức các phong trào thi đua và kiểm tra việc thực hiện; tham mưu sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng và kiến nghị đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

3. Danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”

Danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến được xét tặng hàng năm (mỗi năm xét tặng một lần) cho các cá nhân là cán bộ, công chức, công nhân, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân đạt các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24, Luật Thi đua, Khen thưởng. Trong năm, cá nhân có đăng ký thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ (bao gồm hoàn thành số lượng và chất lượng các công việc được giao đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao) mới được xét công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến. Như vậy, những người đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến phải là người đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác, sản xuất cao được chọn trong số những người hoàn thành nhiệm vụ.

Các đối tượng trên trong một năm nếu nghỉ làm việc từ 02 tháng (tính từ 40 ngày trở lên theo chế độ làm việc) thì không thuộc diện xem xét, bình bầu.

Số ngày làm việc trong một tháng được tính như sau:

[365 - (ngày lễ + tết + ngày nghỉ tuần + nghỉ phép)] : 12

4. Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”

Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị quyết thắng”, “Đơn vị tiên tiến” được xét tặng hàng năm (mỗi năm xét tặng một lần).

Tập thể lao động tiên tiến, Đơn vị tiên tiến là tập thể tiêu biểu được lựa chọn trong số các tập thể hoàn thành nhiệm vụ, đạt tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 28 Luật Thi đua, Khen thưởng

Tập thể lao động xuất sắc, Đơn vị quyết thắng là tập thể tiêu biểu, xuất sắc được lựa chọn trong số các tập thể đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, Đơn vị tiên tiến đạt tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 27 Luật Thi đua, Khen thưởng, trong đó phải có cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Tập thể Lao động tiên tiến, Đơn vị tiên tiến, Tập thể Lao động xuất sắc, Đơn vị quyết thắng xét tặng cho các đối tượng sau:

- Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh xét tặng cho các đơn vị cơ sở và các tập thể trực thuộc cơ sở như: công ty, xí nghiệp, phòng, tổ, đội, phân xưởng …

[...]