Hướng dẫn 407/HD-GDĐT-VP năm 2017 hướng dẫn về xét sáng kiến phục vụ công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục và Đào tạo do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 407/HD-GDĐT-VP
Ngày ban hành 15/02/2017
Ngày có hiệu lực 15/02/2017
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 407/HD-GDĐT-VP

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 02 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC XÉT SÁNG KIẾN PHỤC VỤ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến;

Căn cứ Thông tư 18/2013/TT-BKHCN ngày 01 tháng 8 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến;

Căn cứ Thông tư 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục;

Căn cứ Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Thông tư 49/2011/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non;

Căn cứ Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc ban hành quy định về công tác thi đua, khen thưởng tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Hướng dẫn số 204/HD-BTĐKT ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố về hướng dẫn khen thưởng cho các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp tư thục trên địa bàn Thành phố;

Căn cứ Hướng dẫn số 01/HD-HĐXCNSKCTP ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng xét công nhận sáng kiến cấp Thành phố về việc xét sáng kiến phục vụ công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,

Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung về việc xét sáng kiến phục vụ công tác thi đua, khen thưởng như sau:

I. Xét công nhận sáng kiến

1. Hội đồng sáng kiến Sở Giáo dục và Đào tạo xét công nhận sáng kiến cho các cá nhân thuộc các phòng ban thuộc Sở, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học mà cấp học cao nhất là THPT, trường mầm non trực thuộc Sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường cao đẳng - trung cấp chuyên nghiệp công lập, các đơn vị trực thuộc).

• Hội đồng sáng kiến Sở Giáo dục và Đào tạo ủy quyền cho Hội đồng sáng kiến các đơn vị trực thuộc tổ chức xét sáng kiến các cá nhân thuộc đơn vị, tổng hợp kết quả báo cáo Hội đồng sáng kiến Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến.

2. Hội đồng sáng kiến các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp tư thục nằm trong khối thi đua của Sở Giáo dục và Đào tạo xét công nhận sáng kiến các cá nhân thuộc đơn vị mình quản lý.

II. Sáng kiến

1. Sáng kiến: là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó;

- Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực.

2. Tính mới và khả năng mang lại lợi ích thiết thực của sáng kiến:

- Một giải pháp được coi là có tính mới trong phạm vi một cơ sở nếu tính đến trước ngày đăng ký xét công nhận sáng kiến (đầu năm học), hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào sớm hơn), trong phạm vi cơ sở đó, giải pháp đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

• Không trùng với nội dung của giải pháp trong đăng ký sáng kiến nộp trước;

• Chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được;

• Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;

• Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.

- Một giải pháp được coi là có khả năng mang lại lợi ích thiết thực nếu việc áp dụng giải pháp đó có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế hoặc lợi ích xã hội (ví dụ: áp dụng trong thực tế đạt hiệu quả cao nhất với lượng thời gian và sức lực ít nhất, chi phí tiết kiệm nhất; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kỹ thuật, nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, nâng cao chất lượng giảng dạy đào tạo hướng nghiệp ... cho học sinh, sinh viên, nâng cao hiệu quả hoạt động, phong trào...).

III. Các giải pháp xét công nhận sáng kiến tại đơn vị cơ sở:

- Giải pháp kỹ thuật: là các cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ hay một vấn đề xác định, bao gồm:

[...]