Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Hướng dẫn 36/HD-VKSTC năm 2020 về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 36/HD-VKSTC
Ngày ban hành 30/12/2020
Ngày có hiệu lực 30/12/2020
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Phan Văn Tâm
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

HOẠT ĐỘNG PHÁT BIỂU CỦA KIỂM SÁT VIÊN KHI THAM GIA PHIÊN TÒA XÉT XỬ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính là hoạt động tố tụng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa; vị trí, vai trò của VKSND trong việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; là cơ sở để nhân dân thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Thời gian qua, nhiều phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa đạt chất lượng tốt, có căn cứ, làm cơ sở để Hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp phát biểu của Kiểm sát viên chưa đạt yêu cầu, thậm chí có trường hợp áp dụng không đúng quy định của pháp luật... ảnh hưởng không tốt đến chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính.

Thực hiện Kế hoạch số 37/KH-VKSTC ngày 28/02/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao triển khai, thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án; kiến nghị của Quốc hội tại kỳ họp Thứ 8, khóa XIV, trong đó có nội dung hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, VKSND tối cao hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án hành chính như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về phạm vi: Văn bản này hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên ở giai đoạn trước, trong và sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính.

2. Về yêu cầu: Hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật và của ngành KSND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên tại phiên tòa. Cử chỉ, hành động, lời nói, tư thế, tác phong, thái độ, biểu cảm phải chuẩn mực, thể hiện hình ảnh người Kiểm sát viên “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Kiểm sát viên lưu ý những việc phải làm, những việc không được làm, cách xưng hô, thái độ ứng xử của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa phải tuân theo quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7 Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án, ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.

II. HOẠT ĐỘNG PHÁT BIỂU CỦA KIỂM SÁT VIÊN KHI THAM GIA PHIÊN TÒA XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

1. Hoạt động xây dựng văn bản phát biểu của Kiểm sát viên trước khi tham gia phiên tòa sơ thẩm

1.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án

Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án đầy đủ, toàn diện, khách quan trước khi tham gia phiên tòa có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên, đảm bảo nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa chặt chẽ, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật và có tính thuyết phục.

a) Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (viết tắt là Luật TTHC).

b) Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ để tham gia phiên tòa đảm bảo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án theo quy định tại Điều 147 Luật TTHC.

c) Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (viết tắt là Quy chế số 282/2017) và Điều 14 Quy trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 286/QĐ-VKSTC ngày 07/8/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao (viết tắt là Quy trình số 286/2019). Cụ thể, Kiểm sát viên thực hiện các thao tác sau:

- Nghiên cứu các quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ các văn bản tố tụng có trong hồ sơ vụ án từ khi Tòa án thụ lý đến trước khi mở phiên tòa xét xử như: thông báo thụ lý, quyết định phân công Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, thông báo mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có), quyết định đưa vụ án ra xét xử, các biên bản về hoạt động tố tụng... Qua đó, Kiểm sát viên đánh giá các hoạt động tố tụng của Tòa án như xác định đối tượng khởi kiện, quan hệ pháp luật trong lĩnh vực khiếu kiện hành chính, xác định tư cách tham gia tố tụng, thời hạn, thẩm quyền, thủ tục, việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ... có đúng quy định của pháp luật không; những người tham gia tố tụng trong vụ án có chấp hành đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật hay không. Xác định vi phạm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng (nếu có), vi phạm về vấn đề gì, vi phạm vào điều khoản nào, luật nào điều chỉnh, tùy mức độ vi phạm để kịp thời đề xuất hướng xử lý thông qua việc thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định cho phù hợp.

- Nghiên cứu kỹ toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Nghiên cứu theo từng vấn đề cụ thể như yêu cầu khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp; nội dung trình bày và các tài liệu, chứng cứ do người bị kiện cung cấp; yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, lời khai của người làm chứng (nếu có) và các tài liệu, chứng cứ do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng cung cấp...., phải xâu chuỗi được toàn bộ nội dung vụ án. Kiểm tra, đánh giá khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, xác định tài liệu nào là chứng cứ, tài liệu nào không phải là chứng cứ, tính liên quan của chứng cứ đối với yêu cầu khởi kiện, yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tính đầy đủ của chứng cứ, có cần thiết phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ không? Trên cơ sở đánh giá chứng cứ, phân tích về yêu cầu khởi kiện, đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính để đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, tính hợp pháp và có căn cứ của yêu cầu khởi kiện; từ đó Kiểm sát viên đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án một cách toàn diện và chính xác.

+ Trường hợp phát hiện Tòa án chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất Lãnh đạo Viện kiểm sát để thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 84 Luật TTHCĐiều 22 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và TAND tối cao quy định về phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật TTHC (viết tắt là TTLT số 03/2016). Văn bản yêu cầu theo Mẫu số 05/HC Mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (viết tắt là Quyết định số 204/2017).

+ Trường hợp phát hiện Tòa án có vi phạm trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ thì Kiểm sát viên kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát để thực hiện quyền kiến nghị theo quy định. Văn bản kiến nghị theo Mẫu số 15/HC.

- Kiểm sát viên phải xác định các tài liệu cần trích cứu, phân biệt đó là tài liệu gốc, bản sao công chứng hay tài liệu phô tô để làm cơ sở xác định giá trị pháp lý của tài liệu, xác định các tài liệu, chứng cứ cần phải sao chụp để lập hồ sơ kiểm sát theo quy định tại Điều 12 Quy chế số 282/2017, Điều 13 Quy trình số 286/2019mục 1 phần II Hướng dẫn số 28/HD-VKSTC ngày 19/10/2018 của VKDSND tối cao về việc lập hồ sơ kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc KDTM, lao động, phá sản, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (viết tắt là Hướng dẫn số 28/2018).

1.2. Báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án

Việc báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án thực hiện theo quy định tại Điều 20 Quy chế số 282/2017khoản 5 Điều 14 Quy trình số 286/2019. Sau khi hoàn thành việc nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên xây dựng Tờ trình về việc giải quyết vụ án để báo cáo Lãnh đạo Viện kết quả nghiên cứu hồ sơ theo Mẫu số 11/HC, Kiểm sát viên phải ký, ghi rõ họ tên vào cuối báo cáo và lưu vào hồ sơ kiểm sát. Báo cáo phải phản ánh đầy đủ, trung thực, khách quan nội dung, tình tiết của vụ án, phải thể hiện được yêu cầu của người khởi kiện, ý kiến của người bị kiện, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) và tài liệu, chứng cứ do các đương sự xuất trình; tài liệu, chứng cứ do Tòa án hoặc do Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập; nhận xét, đánh giá và ý kiến đề xuất của Kiểm sát viên đối với vụ án về tố tụng, về thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ, về áp dụng pháp luật và quan điểm giải quyết vụ án (có trích dẫn điều, khoản, điểm văn bản quy phạm pháp luật cụ thể được áp dụng). Tờ trình phải trích dẫn tài liệu theo bút lục hồ sơ kiểm sát để thuận tiện cho việc tra cứu khi báo cáo, duyệt án và xử lý tình huống khi Kiểm sát viên phát biểu. Tờ trình về việc giải quyết vụ án phải có ý kiến phê duyệt của Lãnh đạo Viện và là cơ sở để Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

1.3. Dự thảo đề cương hỏi và dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa

1.3.1. Dự thảo đề cương hỏi

Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, qua việc nhận định, đánh giá toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, Kiểm sát viên cần xác định những nội dung nào chưa được làm rõ, những nội dung nào còn mâu thuẫn để xây dựng dự thảo đề cương hỏi tại phiên tòa. Kiểm sát viên xây dựng dự thảo đề cương hỏi tại phiên tòa theo quy định khoản 2 Điều 15 của Quy trình số 286/2019.

Lưu ý: xuất phát từ yêu cầu khởi kiện, đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính là xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện. Đối tượng hỏi tại phiên tòa là các đương sự trong đó người bị kiện luôn là người có chức vụ trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước, có trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật. Do đó, đòi hỏi Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị tốt đề cương hỏi, xác định được phạm vi hỏi, nội dung hỏi, kỹ năng hỏi, trên cơ sở đó đặt ra những câu hỏi ngắn gọn, sắc bén, rõ ràng, dễ hiểu, không trùng lặp, đúng trọng tâm nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Ví dụ: hỏi để làm rõ tính hợp pháp về thẩm quyền, thời hạn ban hành, nội dung quyết định hành chính, hỏi để làm rõ tính hợp pháp của hành vi hành chính bị khởi kiện...Trên cơ sở đề cương câu hỏi đã chuẩn bị kết hợp với diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên hoàn thiện, chọn lọc, bổ sung những câu hỏi chưa được chuẩn bị để làm sáng rõ thêm các tình tiết của vụ án và củng cố quan điểm giải quyết của Viện kiểm sát.

1.3.2. Dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa

Để chủ động, không bị lúng túng trước những tình huống phát sinh tại phiên tòa và đảm bảo việc phát biểu tại phiên tòa đúng nội dung, có căn cứ, Kiểm sát viên cần dự kiến trước các tình huống có thể xảy ra như: việc yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch, sự vắng mặt của đương sự, luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bổ sung người tham gia tố tụng, đương sự xuất trình chứng cứ mới, trường hợp hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa, đình chỉ xét xử... Kiểm sát viên cần nắm vững các quy định của pháp luật về tố tụng để áp dụng vào việc xử lý các tình huống đó và những vấn đề mà Hội đồng xét xử có thể hỏi ý kiến của Kiểm sát viên, phương án giải quyết của Viện kiểm sát trước khi quyết định.

1.4. Dự thảo văn bản phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa

[...]