Công văn 207/TANDTC-PC năm 2024 thông báo kết quả giải đáp vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 207/TANDTC-PC
Ngày ban hành 30/10/2024
Ngày có hiệu lực 30/10/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Tiến
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 207/TANDTC-PC
V/v thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các Tòa án nhân dân và Tòa án nhân sự;
- Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày 13/6/2024, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính của các Tòa án. Trên cơ sở các vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp vướng mắc như sau:

1. Trong vụ án hành chính, Tòa án tuyên bác yêu cầu khởi kiện hủy quyết định hành chính của người khởi kiện. Quá trình xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính bị kiện, Tòa án có xem xét và nhận định về quyết định hành chính có liên quan (không bị kiện), Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Sau đó, người khởi kiện tiếp tục khởi kiện vụ án khác đối với quyết định hành chính (là quyết định hành chính có liên quan đã được xem xét trong vụ án trước). Trường hợp này, Tòa án có được trả lại đơn khởi kiện vì lý do vụ việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính hay không?

Điểm d khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính quy định trong trường hợp sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.

Trong quá trình giải quyết vụ án, việc Tòa án xem xét và nhận định về quyết định hành chính có liên quan (không bị kiện) là cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính bị kiện. Trường hợp quyết định hành chính có liên quan (không bị kiện) được ban hành trái pháp luật dẫn đến quyết định hành chính bị kiện trái pháp luật thì Hội đồng xét xử có thẩm quyền hủy cả quyết định hành chính bị kiện và quyết định hành chính liên quan. Trường hợp quyết định hành chính có liên quan (không bị kiện) được ban hành đúng pháp luật thì Tòa án cũng đã nhận định, kết luận trong bản án. Như vậy, mặc dù quyết định hành chính có liên quan không bị kiện nhưng đã được xem xét, giải quyết và được kết luận về tính đúng sai cùng với quyết định hành chính bị kiện nên phải coi là sự việc đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Vì vậy, trường hợp này, Tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do vụ việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính.

2. Người khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng quyền sử dụng đất đó đã được đem đi thế chấp và Ngân hàng đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Quá trình giải quyết vụ án có căn cứ xác định việc Ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật nhưng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là đúng quy định của pháp luật. Trường hợp này, Tòa án có được hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Ngân hàng có được xác định là người thứ ba ngay tình theo quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 hay không?

Việc xem xét yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vụ án hành chính thực chất là việc xác định tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi có căn cứ xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị kiện rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án phải tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó.

Quan hệ thế chấp tài sản liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên và quyền lợi của Ngân hàng sẽ được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự khi đương sự có yêu cầu.

3. Một đương sự có thể vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền hay không?

- Đối với người bị kiện: Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính[1], trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình làm người đại diện theo ủy quyền; người bị kiện có thể yêu cầu bất kỳ người nào thuộc trường hợp được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Do đó, trường hợp này người bị kiện chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó của mình vừa làm người đại diện, vừa làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

- Đối với người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Pháp luật không cấm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự làm đại diện theo ủy quyền của chính đương sự đó; đồng thời, không cấm người đại diện theo ủy quyền của đương sự được tham gia là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, một đương sự có thể vừa yêu cầu một người làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp vừa ủy quyền cho người đó làm người đại diện theo ủy quyền cho mình nếu người đó thuộc trường hợp được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định tại khoản 2 Điều 61 Luật Tố tụng hành chính[2], không thuộc trường hợp không được làm người đại diện theo ủy quyền theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính[3].

4. Trường hợp thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đã hết dẫn đến cần đình chỉ giải quyết mà vụ án còn có yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính đó gây ra thì Tòa án giải quyết như thế nào?

Khoản 1 Điều 7 Luật Tố tụng hành chính quy định: “… Khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính, các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và pháp luật về tố tụng dân sự được áp dụng để giải quyết.”

Khoản 2 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.”

Như vậy, trường hợp đương sự khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đồng thời có yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra mà thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó đã hết thì Tòa án căn cứ điểm g khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính để đình chỉ giải quyết vụ án.

5. Tại phiên tòa sơ thẩm, đương sự bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra có được xác định là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu quy định tại Điều 173 Luật Tố tụng hành chính không?

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7[4]Luật Tố tụng hành chính, khoản 2, khoản 4 Điều 4[5] Thông tư số 02/2023/TT-TANDTC ngày 24/8/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều 55 của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước về giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án thì việc đương sự bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại tại phiên tòa sơ thẩm là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu theo quy định tại Điều 173 Luật Tố tụng hành chính. Tòa án không giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại mà giải thích cho đương sự để họ khởi kiện yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước sau khi họ nhận được bản án, quyết định của Tòa án hoặc theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Ví dụ: Người khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Tại phiên tòa sơ thẩm, người khởi kiện bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gây ra. Nếu người khởi kiện bổ sung yêu cầu về bồi thường thiệt hại trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại thì được xem xét, giải quyết trong vụ án hành chính. Nếu người khởi kiện bổ sung yêu cầu về bồi thường thiệt hại tại phiên tòa sơ thẩm là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu theo quy định tại Điều 173 Luật Tố tụng hành chính. Tòa án không xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại mà giải thích cho đương sự để họ khởi kiện yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước sau khi họ nhận được bản án, quyết định của Tòa án hoặc theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

6. Đương sự yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, tuy nhiên trên giấy chứng nhận có 10 nội dung cập nhật biến động sang tên do nhận chuyển nhượng. Trường hợp này, việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như thế nào?

Khoản 10 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức, cá nhân tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đương sự khác đề nghị và được Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) chấp nhận hoặc được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.”

Khoản 5 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013[6] quy định: “…trường hợp đăng ký biến động đất đai thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp.”

Trường hợp này, Tòa án phải xem xét việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được cập nhật biến động nào thì xác định người đó là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 10 người được cập nhật biến động sang tên do nhận chuyển nhượng mà quyền, nghĩa vụ của người được cập nhật biến động sau phủ định quyền, nghĩa vụ của người được cập nhật biến động trước thì xác định người được cập nhật biến động cuối cùng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Nếu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 10 người được cập nhật biến động mà quyền, nghĩa vụ của những người được cập nhật biến động liên quan trực tiếp đến việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chủ sử dụng đất chuyển nhượng 10 phần của mảnh đất cho 10 người) thì phải xác định cả 10 người được cập nhật biến động là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

7. Văn bản ủy quyền có nội dung cho phép người đại diện theo ủy quyền được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Trường hợp này, người đại diện theo ủy quyền có được quyền kháng cáo không? Người đại diện theo ủy quyền có quyền rút đơn khởi kiện không hay vẫn cần có ý kiến của người khởi kiện?

Khoản 5 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định: “…Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền…”

Như vậy, người đại diện theo ủy quyền có quyền kháng cáo, rút đơn khởi kiện hay không tùy thuộc vào nội dung ủy quyền, phạm vi ủy quyền và thời hạn ủy quyền.

Trường hợp trong văn bản ủy quyền, đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến vụ án đến khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm thì người được ủy quyền không được quyền kháng cáo; người đại diện theo ủy quyền được rút đơn khởi kiện trong quá trình giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm mà không cần có ý kiến của người khởi kiện.

Trường hợp trong văn bản ủy quyền, đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền được toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến vụ án đến khi kết thúc toàn bộ quá trình giải quyết vụ án thì người đại diện theo ủy quyền được quyền kháng cáo đối với bản án theo quy định tại Điều 204[7], khoản 2, khoản 3 Điều 205 Luật Tố tụng hành chính. Người đại diện theo ủy quyền có quyền rút đơn khởi kiện mà không cần có ý kiến của người khởi kiện.

[...]