Hướng dẫn 29/HD-VKSTC năm 2020 về nội dung trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 29/HD-VKSTC
Ngày ban hành 25/09/2020
Ngày có hiệu lực 25/09/2020
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Phan Văn Tâm
Lĩnh vực Thương mại,Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN KINH DOANH, THƯƠNG MẠI

Trong thời gian qua, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại (sau đây gọi tắt là KDTM) trong toàn Ngành đã có nhiều chuyển biến đáng kể, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp không ngừng đề ra các biện pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong lĩnh vực này, nhờ vậy nhiều bản án, quyết định của Tòa án ban hành có căn cứ, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy, trong đó, có những vụ án mà bản án, quyết định bị hủy nhiều lần, có trách nhiệm của Viện kiểm sát, gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án KDTM trong thời gian tới, VKSND tối cao hướng dẫn một số nội dung như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Về áp dụng pháp luật

VKSND các cấp phải áp dụng một cách chính xác pháp luật về tố tụng trong quá trình kiểm sát việc giải quyết những tranh chấp về KDTM thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015), đối với việc giải quyết vụ án KDTM có yếu tố nước ngoài, có liên quan đến điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó (khoản 3 Điều 2 BLTTDS năm 2015) và pháp luật về nội dung như Bộ luật Dân sự (BLDS), Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hàng hải, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Sở hữu trí tuệ... Bên cạnh đó, cần cập nhật, nghiên cứu vận dụng một cách phù hợp các Hiệp định mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, Bộ Quy tắc về Thương mại quốc tế trong các Incoterms...

2. Về thời hiệu khởi kiện

Đối với các tranh chấp KDTM mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện (được thực hiện theo yêu cầu của đương sự) thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được xác định trong văn bản quy phạm pháp luật đó. Cần lưu ý một số trường hợp áp dụng thời hiệu có tính đặc thù sau:

a) Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”.

b) Đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, Kiểm sát viên cần lưu ý thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông...”

c) Đối với yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thì áp dụng điểm d, khoản 8 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và Điều lệ công ty”.

d) Đối với quy định việc gia hạn thời hiệu trong trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS.

3. Về vụ án được giải quyết lại sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm

a) Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (khoản 4 Điều 217 BLTTDS năm 2015).

b) Khi xét xử sơ thẩm lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành (nếu có) theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy và ghi rõ trong bản án (khoản 3 Điều 266 BLTTDS năm 2015).

c) Khi xét xử phúc thẩm lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành (nếu có) theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy và ghi rõ trong bản án (khoản 5 Điều 313 BLTTDS năm 2015).

Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều trường hợp Tòa án vi phạm các quy định trên, do theo thói quen Tòa án áp dụng thủ tục giải quyết vụ án như lần đầu. Vì vậy, Kiểm sát viên cần lưu ý các quy định trên để kiểm sát việc giải quyết vụ án một cách triệt để, toàn diện, đúng pháp luật.

Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng C với bị đơn là Công ty K đối với yêu cầu thanh toán số tiền 10.253.000.000 đồng và xử lý tài sản thế chấp là nhà, đất tại thửa số 247, tờ bản đồ số 07, thôn PM, xã MĐ, huyện TL, Thành phố H, đứng tên bà Nguyễn Xuân H.

Vụ án có 02 bản án phúc thẩm. Bản án phúc thẩm (lần 1) số 168/2014/KDTM-PT ngày 17/9/2014 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao buộc Ngân hàng C phải trả lại cho bà Nguyễn Xuân H Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số AA 242706, Cục Thi hành án dân sự Thành phố H đã thi hành bản án phúc thẩm về phần này. Sau khi có GCNQSDĐ, bà H đã chuyển nhượng lại cho bà Th, bà Th đã tách nhiều thửa chuyển nhượng cho nhiều người. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm này, Bản án phúc thẩm số 168/2014/KDTM-PT nêu trên lại bị hủy bởi Quyết định giám đốc thẩm số 10/2016/KDTM-GĐT ngày 20/5/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xét xử phúc thẩm lại.

Tại thời điểm xét xử phúc thẩm (lần 2) ngày 06/3/2017, thì tài sản đảm bảo nêu trên không còn của bà Nguyễn Xuân H mà đã chuyển nhượng cho nhiều người khác. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm đã không xác minh tình trạng tài sản bảo đảm, không đưa những người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào tham gia tố tụng, không xử lý hậu quả của việc thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 313 BLTTDS năm 2015. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 06/2020/KDTM-GĐT ngày 26/02/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định hủy một phần bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND Thành phố H giải quyết lại phần tài sản thế chấp.

4. Về mức phạt trong hợp đồng thương mại

Lưu ý mức phạt trong hợp đồng thương mại có tính đặc thù khác với những loại hợp đồng dân sự. Trong hợp đồng thương mại thì Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các hên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quả 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”.

Khoản 1 Điều 266 Luật Thương mại năm 2005 về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trường hợp kết quả giám định sai quy định: “Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định”.

Như vậy, đối với những thỏa thuận vượt quá mức phạt quy định trên được xem là thỏa thuận trái pháp luật, Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận.

5. Về việc xác định tư cách tham gia tố tụng đối với những vụ án liên quan đến doanh nghiệp

a) Đối với giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện khi có tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết thì phải căn cứ khoản 6 Điều 84 BLDS năm 2015 quy định: “Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện ” để xác định pháp nhân tham gia tố tụng, chứ không được xác định chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch của pháp nhân.

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp Toà án xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, nhất là trong việc xác định chi nhánh, văn phòng giao dịch (không có tư cách pháp nhân) của ngân hàng là đương sự trong vụ án.

[...]