Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Hướng dẫn 211/HD-SNV năm 2015 thực hiện Quyết định 8415/QĐ-UBND Quy định tạm thời về đánh giá công chức theo mô hình đánh giá kết quả làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 211/HD-SNV
Ngày ban hành 02/02/2015
Ngày có hiệu lực 02/02/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Võ Công Chánh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
SỞ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 211/HD-SNV

Đà Nẵng, ngày 02 tháng 02 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH 8415/QĐ-UBND NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 2014 CỦA CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ ĐÁNH GIÁ CÔNG CHỨC THEO MÔ HÌNH ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ LÀM VIỆC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH THUỘC UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 8415/QĐ-UBND ngày 19/11/2014 của Chủ tịch UBND thành phố về việc ban hành Quy định tạm thời về đánh giá công chức theo mô hình đánh giá kết quả làm việc (sau đây viết tắt là KQLV) tại các cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Nội vụ hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ cụ thể như sau:

I. Thẩm quyền đánh giá, phân loại công chức

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn, thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền quyết định cuối cùng đối với việc đánh giá, phân loại công chức hàng tháng cũng như phân loại công chức cuối năm. Điểm tổng hợp trung bình và danh sách công việc nổi trội là cơ sở để thủ trưởng đơn vị tham khảo trước khi quyết định.

Do đó, nếu cơ quan, đơn vị có tổ chức Hội đồng đánh giá thì Hội đồng chỉ có thẩm quyền tư vấn cho thủ trưởng đơn vị trong việc quyết định đánh giá, phân loại công chức.

Về kỹ thuật phần mềm, Sở Nội vụ đã điều chỉnh tên công cụ “Hội đồng đánh giá” thành “Hỗ trợ phân loại công chức” để phù hợp với quy định.

II. Một số nội dung nghiệp vụ về quy trình đánh giá hàng tháng

1. Về thang điểm đánh giá

Căn cứ Quyết định số 8415/QĐ-UBND, từ năm 2015, thang điểm đánh giá sẽ có sự thay đổi so với trước đây, cụ thể mức điểm hoàn thành tốt nhiệm vụ giảm từ 80 điểm đến dưới 90 điểm xuống từ 70 điểm đến dưới 90 điểm, trên cơ sở đó các thang điểm của các mức còn lại sẽ có sự thay đổi tương ứng. Theo đó, để triển khai thang điểm mới như trên, Sở Nội vụ đã tiến hành cấu hình, điều chỉnh lại phần mềm để phù hợp với thang điểm mới.

2. Điểm thưởng

Mô hình đánh giá KQLV được xây dựng dựa trên nền tảng về mức điểm và cơ cấu điểm thưởng. Việc phân loại công chức xuất sắc dựa trên điểm thưởng công việc nổi trội mà cấp trên trực tiếp cho điểm, đánh giá. Do đó, để đảm bảo công bằng chung, việc so sánh các công việc nổi trội, có điểm thưởng cũng như quản lý, giám sát chặt chẽ việc cho điểm thưởng là cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo tính công bằng trong việc triển khai mô hình.

3. Phân loại công chức xuất sắc hàng tháng

Khi xét cá nhân xuất sắc, thủ trưởng đơn vị không chỉ căn cứ vào thứ tự xếp hạng điểm đánh giá của công chức trong cơ quan, đơn vị mà đồng thời dựa trên công việc nổi trội cụ thể của từng cá nhân đã được cấp trên trực tiếp thừa nhận, cho điểm thưởng và được thể hiện trong công cụ “Xét xuất sắc tháng” theo phần mềm đánh giá. Mục đích là nhằm phân loại được cá nhân hoàn thành tốt công việc khó, phức tạp hoặc hoàn thành xuất sắc công việc được giao trên cơ sở các cá nhân này đã chấp hành tốt nội quy, quy chế cũng như có tinh thần, thái độ công việc tốt.

Điều kiện để được đưa vào danh sách xét xuất sắc trong tháng là có điểm tổng kết từ 75 điểm trở lên và có ít nhất 01 công việc nổi trội được cho điểm thưởng. Trong trường hợp không có hoặc ít công chức đạt từ 75 điểm trở lên trong tháng để đưa vào danh sách xét xuất sắc thì thủ trưởng đơn vị quyết định bổ sung thêm người vào danh sách xét xuất sắc. Tuy nhiên, các cá nhân được bổ sung cần đảm bảo có tổng điểm đánh giá từ 73-75 điểm và có ít nhất một công việc nổi trội được điểm thưởng trong tháng.

4. Trường hợp thời gian đánh giá KQLV của tháng hai trùng với dịp tết Âm Lịch

Trong thực tế khi thời gian đánh giá KQLV của tháng hai trùng với dịp tết Âm Lịch, số ngày làm việc thấp, dao động trong khoảng 15 ngày cũng như có sự ngắt quãng trong thực thi công vụ. Do đó, để tránh hình thức trong thực hiện đánh giá KQLV, đợt đánh giá tháng này sẽ được gộp vào đợt đánh giá với tháng tiếp theo (được cấu hình trên hệ thống).

5. Quản trị đợt đánh giá

Sở Nội vụ quản trị đợt đánh giá chung của thành phố. Tuy nhiên, các cơ quan, đơn vị có thể điều chỉnh “ngày bắt đầu”, “ngày kết thúc tự đánh giá”, “ngày kết thúc đánh giá chéo” trong đợt để phù hợp với cách thức quản trị công việc nội bộ.

6. Điều chỉnh điểm và kết quả phân loại trên phần mềm hàng tháng

Sau khi thủ trưởng đơn vị đã quyết định số điểm phân loại kết quả đánh giá cuối cùng, công chức phụ trách phần mềm đánh giá KQLV cần cập nhật lại điểm/kết quả phân loại hàng tháng vào phần mềm thông qua công cụ “Hỗ trợ phân loại công chức”. Việc cập nhật này rất quan trọng nhằm phục vụ cho kết quả phân loại hàng quý cũng như phân loại công chức cuối năm.

7. Bình xét kết quả hàng quý

Kết thúc mỗi quý, phần mềm sẽ hỗ trợ tính điểm bình quân của công chức theo quý. Việc bình xét và phân loại kết quả theo quý dựa nếu đảm bảo một trong các tiêu chí sau:

- Các cá nhân có ít nhất một tháng được xếp loại Xuất sắc;

- 15% cá nhân có điểm bình quân cao nhất đơn vị trong quý.

Trên cơ sở danh sách công chức đảm bảo điều kiện trên, thủ trưởng đơn vị sẽ quyết định phân loại công chức hàng quý. Kết quả này chính là căn cứ để thực hiện phân phối thu nhập từ nguồn khoán chi phí hành chính (theo quy chế chi tiêu nội bộ của từng cơ quan, đơn vị). Công thức và cách tính tham khảo trong Phụ lục I kèm theo Hướng dẫn này.

8. Ban hành Quy định nội bộ cơ quan, đơn vị về đánh giá kết quả làm việc của công chức và người lao động

Để thuận lợi cho việc triển khai mô hình đánh giá kết quả công việc, đề nghị từng sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã xây dựng, ban hành Quy định về đánh giá kết quả làm việc của công chức, bao gồm nội dung kế thừa kết quả đánh giá để phân phối thu nhập.

[...]