Hướng dẫn 205/SXD-QLXD công tác quản lý chất lượng thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cọc bê tông cốt thép cho công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp do Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 205/SXD-QLXD
Ngày ban hành 04/07/2008
Ngày có hiệu lực 04/07/2008
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Bùi Trang Thuận
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UBND TỈNH BẾN TRE
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 205/SXD-QLXD

Bến Tre, ngày 04 tháng 7 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THIẾT KẾ, THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU MÓNG CỌC BÊ TÔNG CỐT THÉP CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo quy định của Luật Xây dựng, Sở Xây dựng Bến Tre hướng dẫn cụ thể một số nội dung thường gặp trong thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cọc bê tông cốt thép. Các nội dung khác tuân thủ các quy định hiện hành về tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu và quản lý chất lượng công trình.

I. Quy định chung:

Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, trong công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu kết cấu móng cọc bê tông cốt thép cho các công trình xây dựng, phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn xây dựng sau:

- Luật Xây dựng;

- Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình;

- Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15 tháng 7 năm 2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;

- Quyết định số 1079/2005/QĐ-UB ngày 14 tháng 4 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy chế đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường các công trình lân cận trong hoạt động xây dựng.

- Các tiêu chuẩn thiết kế:

+ TCXD 160 : 1987: Khảo sát kỹ thuật phục vụ cho thiết kế và thi công móng cọc;

+ TCXD 189 : 1996: Móng cọc tiết diện nhỏ - Tiêu chuẩn thiết kế;

+ TCXD 190 : 1996: Móng cọc tiết diện nhỏ - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu;

+ TCXD 205 : 1998: Móng cọc - Tiêu chuẩn thiết kế.

- Các tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu:

+ TCXD 190 : 1996: Móng cọc tiết diện nhỏ - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu;

+ TCXDVN 286 : 2003: Đóng và ép cọc - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu;

+ TCXDVN 326 : 2004: Cọc khoan nhồi - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu;

+ TCXD 88 : 1982: Cọc - Phương pháp thí nghiệm hiện trường;

+ TCXDVN 269 : 2002: Cọc - Phương pháp thí nghiệm bằng tải trọng tĩnh ép dọc trục;

+ TCXD 196 : 1997: Nhà cao tầng - Công tác thử tĩnh và kiểm tra chất lượng cọc khoan nhồi;

+ TCXDVN 359 : 2005: Cọc - Thí nghiệm kiểm tra khuyết tật bằng phương pháp động biến dạng nhỏ;

+ 22TCN 257 – 2000: Quy định kỹ thuật thi công và nghiệm thu cọc khoan nhồi.

Ngoài các quy định, tiêu chuẩn xây dựng nêu trên, cần tham khảo áp dụng các quy định, tiêu chuẩn hiện hành có liên quan tại thời điểm thực hiện.

II. Đối với công tác thiết kế:

1. Căn cứ vào báo cáo khảo sát địa chất và thuỷ văn của công trình để nghiên cứu chiều dày, thế nằm và đặc trưng cơ lý của các lớp đất. Thăm dò khả năng có các chướng ngại vật dưới đất, có các công trình ngầm lân cận; Xem xét điều kiện môi trường, tiếng ồn và khả năng ảnh hưởng đến các công trình lân cận, chủ đầu tư yêu cầu tư vấn thiết kế có giải pháp móng cọc khoan nhồi hay cọc bê tông cốt thép đã được gia công trước, lựa chọn biện pháp đóng hay ép cọc cho hợp lý. Chỉ thực hiện thiết kế móng cọc khi có đầy đủ số liệu địa chất theo TCXD 160 : 1987.

2. Tư vấn thiết kế căn cứ vào các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành để tính toán và thiết kế chi tiết cho từng loại cọc; từng móng cọc, phải được chủ đầu tư cho tiến hành thẩm tra đạt yêu cầu mới được nghiệm thu sản phẩm thiết kế.

3. Trong hồ sơ thiết kế cần nêu rõ một số yêu cầu chính như sau: Loại cọc, cấu tạo cọc; Chiều dài cọc, cao độ mũi cọc, cao độ đầu cọc; Số lượng cọc; Sức chịu tải của từng cọc và tỷ lệ % cọc cần thí nghiệm kiểm tra tại hiện trường; Lớp bảo vệ cốt thép cho cọc để chống ăn mòn do xâm thực.

[...]