Hướng dẫn 1861/HD-TLĐ 2013 thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 1861/HD-TLĐ
Ngày ban hành 09/12/2013
Ngày có hiệu lực 09/12/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Mai Đức Chính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1861/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG THAM GIA GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG, ĐÌNH CÔNG

- Căn cứ Bộ Luật lao động 2012, Luật Công đoàn 2012 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI;

- Căn cứ Nghị định số 41/2013/NĐ-CP ngày 8/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 220 của Bộ luật Lao động về danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công; Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động; Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền và trách nhiệm của công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện quyền và trách nhiệm của các cấp công đoàn trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công như sau:

I. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

1. Phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự, thủ tục

Để phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự, thủ tục, công đoàn cơ sở cần triển khai tốt các hoạt động sau:

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, công đoàn, nội quy lao động và các quy định nội bộ, các thỏa thuận với người sử dụng lao động, trong đó có nội dung liên quan đến tranh chấp lao động, đình công để người lao động hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình.

- Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động về các vấn đề sau:

+ Hình thức, nguyên tắc, loại hợp đồng, nội dung hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên về cung cấp thông tin, thời gian thử việc và những vấn đề liên quan khi giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;

+ Nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác, các trường hợp tạm hoãn, nhận lại người lao động hết thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.

- Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể:

+ Thu thập thông tin, tập hợp kiến nghị, đề xuất nội dung có liên quan đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; yêu cầu người sử dụng lao động thương lượng tập thể trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức;

+ Đại diện tập thể lao động tham gia thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; sửa đổi, bổ sung, kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật về lao động;

+ Phổ biến thỏa ước lao động tập thể đến người lao động;

+ Giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể và yêu cầu người sử dụng lao động thi hành đúng thỏa ước; yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể khi người sử dụng lao động thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật về lao động.

- Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động:

+ Tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến của người lao động, tham gia bằng văn bản với người sử dụng lao động trong việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động theo quy định của pháp luật lao động;

+ Tổ chức giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động; kiến nghị với người sử dụng lao động nội dung sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.

- Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động:

+ Thu thập thông tin, tập hợp kiến nghị, đề xuất nội dung có liên quan đến lợi ích chính đáng của người lao động; yêu cầu người sử dụng lao động tổ chức đối thoại theo quy định của pháp luật về lao động;

+ Kiến nghị với công đoàn cấp trên hoặc cơ quan quản lý nhà nước về lao động xem xét giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo về lao động của người lao động hoặc kiến nghị xử lý người sử dụng lao động có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động, công đoàn;

+ Tiến hành đối thoại định kỳ hoặc đột xuất với người sử dụng lao động; phối hợp cùng người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động;

+ Giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị người lao động, các thỏa thuận đạt được qua đối thoại tại nơi làm việc và quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tư vấn cho người lao động về pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và pháp luật khác có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Nắm bắt kịp thời tình hình quan hệ lao động và nguyện vọng của người lao động bằng nhiều hình thức thích hợp như: lập hòm thư góp ý kiến do công đoàn quản lý; phân công các ủy viên BCH Công đoàn trực tiếp trao đổi với người lao động.

2. Tham gia giải quyết các tranh chấp lao động tại doanh nghiệp

[...]