Hướng dẫn 1840/HD-TLĐ 2013 thực hiện quyền và trách nhiệm của các cấp công đoàn trong thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện Thỏa ước lao động tập thể do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 1840/HD-TLĐ
Ngày ban hành 04/12/2013
Ngày có hiệu lực 04/12/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Mai Đức Chính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1840/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN TRONG THƯƠNG LƯỢNG TẬP THỂ, KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

- Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2012; Luật Công đoàn năm 2012;

- Căn cứ vào Nghị định số 43/2013/NĐ - CP ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Điều 10 của Luật Công đoàn về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

- Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam,

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn về việc thực hiện quyền và trách nhiệm của các cấp công đoàn trong thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể như sau:

I. THƯƠNG LƯỢNG TẬP THỂ, KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ DOANH NGHIỆP

1. Đại diện thương lượng tập thể của tập thể lao động

a) Đối với doanh nghiệp đã có Công đoàn cơ sở thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở là đại diện cho tập thể lao động thương lượng tập thể với người sử dụng lao động hoặc người đại diện cho người sử dụng lao động.

b) Đối với doanh nghiệp chưa thành lập Công đoàn cơ sở thì Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là đại diện cho tập thể lao động thương lượng tập thể với người sử dụng lao động hoặc người đại diện cho người sử dụng lao động.

Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm đại diện thương lượng tập thể ở doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở khi người lao động ở doanh nghiệp đó yêu cầu bằng văn bản.

c) Thành lập Tổ thương lượng

- Đối với doanh nghiệp đã có công đoàn cơ sở: Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập Tổ thương lượng và quyết định số lượng thành viên, song ít nhất là 03 người. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở là Tổ trưởng Tổ thương lượng.

- Đối với doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở thì việc thành lập Tổ thương lượng do Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là Tổ trưởng Tổ thương lượng. Thành viên Tổ thương lượng là thành viên tổ đối thoại đại diện cho tập thể người lao động do Hội nghị người lao động bầu.

d) Tiêu chuẩn thành viên tham gia thương lượng

Thành viên tham gia thương lượng cần lựa chọn những người có thời hạn thực hiện hợp đồng ít nhất đủ từ 12 tháng trở lên; có bản lĩnh, nhiệt tình, am hiểu tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nắm được tâm tư nguyện vọng người lao động, có kiến thức pháp luật, nhất là pháp luật lao động, công đoàn, có uy tín đối với tập thể lao động, có kỹ năng thương lượng.

đ) Thời điểm thành lập Tổ thương lượng

Tùy từng trường hợp, việc thành lập Tổ thương lượng có thể tiến hành trước hoặc song song cùng với việc đề xuất với người sử dụng lao động về thương lượng tập thể.

Sau khi chọn được thành viên, Đại diện tập thể lao động tại cơ sở (Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong trường hợp đại diện cho tập thể lao động ở nơi chưa có công đoàn cơ sở) ra quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cho Tổ thương lượng và thông báo cho người sử dụng lao động.

e) Nhiệm vụ của Tổ thương lượng

- Nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

- Tập hợp đầy đủ các ý kiến, nguyện vọng của người lao động;

- Chuẩn bị về thông tin, xây dựng phương án đàm phán, thương lượng;

- Tiến hành đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động về các nội dung đã được người lao động yêu cầu trên cơ sở bảo đảm đạt được cao nhất nguyện vọng, lợi ích của tập thể lao động.

2. Chuẩn bị thương lượng tập thể

a) Lấy ý kiến của của tập thể lao động

Tuỳ theo quy mô, điều kiện làm việc của doanh nghiệp mà Đại diện tập thể lao động tại cơ sở quyết định tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của tập thể lao động hoặc gián tiếp thông qua tổ công đoàn, công đoàn bộ phận về đề xuất của người lao động với người sử dụng lao động và các đề xuất của người sử dụng lao động với tập thể lao động.

Để việc đề xuất của người lao động có sự tập trung và phù hợp tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, Đại diện tập thể lao động tại cơ sở có thể xây dựng dự thảo những vấn đề cần đưa ra thương lượng và xin ý kiến người lao động thông qua tổ công đoàn, công đoàn bộ phận.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ