Hướng dẫn 17/BNV-CQĐP năm 2004 về việc triển khai công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 17/BNV-CQĐP
Ngày ban hành 05/01/2004
Ngày có hiệu lực 05/01/2004
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Đỗ Quang Trung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/BNV-CQĐP

 

Hà Nội, ngày 05 tháng 1 năm 2004

 

HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2004 - 2009

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 là Chủ nhật, ngày 25 tháng 4 năm 2004.

Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là sự kiện chính trị quan trọng, là cuộc vận động chính trị và sinh hoạt dân chủ sâu rộng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong lựa chọn những đại biểu đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực, Nhà nước ở địa phương. Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì được tiến hành vào thời điểm các cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương đang tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá IX và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vừa được Quốc hội Khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ tư, ngày 26 tháng 11 năm 2003.

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 02/2004/CT-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2004 về chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009, Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điểm liên quan đến tổ chức triển khai công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009.

I. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI, TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC BẦU CỬ

Triển khai, tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử là một khâu rất quan trọng, liên quan tới ý thức, trách nhiệm và chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện công tác bầu cử, vì vậy, Bộ Nội vụ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tốt các việc sau đây:

1. Phổ biến, tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; các văn bản chỉ đạo có liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

2. Tổ chức tốt Hội nghị triển khai công tác bầu cử và tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác bầu cử, thành viên của các Tổ chức phụ trách bầu cử và các cán bộ, công chức được huy động tham gia phục vụ bầu cử để quán triệt mục đích, yêu cầu của cuộc bầu cử và giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân hiểu rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình trong bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; nắm được những quy định về thời gian và quy trình tiến hành bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Các tài liệu cần thiết cho cuộc bầu cử như Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân của các cơ quan Trung ương... cần được phát đến từng tổ chức phụ trách bầu cử để các thành viên nghiên cứu, tuỳ theo nhiệm vụ được phân công vận dụng, thực hiện.

Cần đặc biệt chú trọng tới nội dung, phương pháp tập huấn nghiệp vụ cho thành viên của Tổ chức bầu cử, đảm bảo mỗi thành viên hiểu rõ nhiệm vụ, quyền hạn và những công việc phải làm của tổ chức mình, nắm vững nghiệp vụ bầu cử để làm tốt nhiệm vụ được phân công.

4. Hướng dẫn sử dụng các mẫu biểu về danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử, danh sách những người trúng cử, các mẫu biên bản và biểu tổng hợp kết quả bầu cử, thống kê cơ cấu, chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi kèm theo Hướng dẫn này.

II. THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC PHỤ TRÁCH BẦU CỬ

Để đảm bảo cho các tổ chức phục trách bầu cử hoạt động có hiệu quả, cần lưu ý các điểm sau đây:

1. Đảm bảo đủ các thành phần đại diện trong mỗi tổ chức phụ trách bầu cử như pháp luật đã quy định và phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương; lựa chọn những người trung thực và có kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng tham gia vào các Tổ chức phụ trách bầu cử.

2. Do hầu hết các đơn vị hành chính cấp huyện là đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp xã là đơn vị bầu cử của Hội đồng bầu cử cấp huyện, vì vậy có thể bố trí thành viện của Hội đồng bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp dưới là thành viên của Ban bầu cử của cấp trên trực tiếp (ví dụ thành viên Hội đồng bầu cử cấp huyện là thành viên của Ban bầu cử cấp tỉnh, thành viên Hội đồng bầu cử cấp xã là thành viên của Ban bầu cử cấp huyện) để việc triển khai công việc được thuận lợi, song cần đảm bảo để Ban bầu cử mỗi cấp có đủ các thành phần như quy định của Luật.

3. Cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn người tham gia Tổ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để cử những người có uy tín, có kinh nghiệm, được nhân dân tín nhiệm tham gia Tổ bầu cử. Các cơ quan có trách nhiệm cần cung cấp các tài liệu và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên Tổ bầu cử để từng người hiểu rõ nhiệm vụ, quyền hạn, làm đúng phận sự, chức trách của mình; tránh những sai sót như đã xảy ra ở một số địa phương trong các cuộc bầu cử gần đây.

III. CHUẨN BỊ ĐIỀU KIỆN, PHƯƠNG TIỆN, VẬT CHẤT CHO CUỘC BẦU CỬ

Căn cứ vào nội dung công việc cần chuẩn bị, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã gấp rút tiến hành việc chuẩn bị các điều kiện, phương tiện vật chất cho ngày bầu cử theo các nội dung công việc sau đây:

- Trên cơ sở thống kê dân số, cử tri có đến ngày 31 tháng 12 năm 2003 do Cục thống kê các tỉnh, thành phố cung cấp, Uỷ ban nhân dân dự tính số đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi đơn vị hành chính; phân chia đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu cử mỗi đơn vị; phân chia khu vực bỏ phiếu theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Lập dự trù kinh phí phục vụ bầu cử để báo cáo về Bộ Nội vụ tổng hợp, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định;

- Kiểm kê hòn phiếu, con dấu còn lại của cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 1999 - 2004; bổ sung hòm phiếu, con dấu còn thiếu và khác dấu mới “Đã bỏ phiếu” theo quy định tại Điều 51 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân để sử dụng cho cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009;

- Lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên có năng lực để tuyên truyền, phổ biến đến các cơ quan, tổ chức, công dân về nội dung Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và nội dung các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Chuẩn bị các tài liệu phục vụ cho tập huấn nghiệp vụ bầu cử đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ được phân công thực hiện công tác bầu cử và thành viên các Tổ chức phụ trách bầu cử;

- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử ở địa phương, trình Uỷ ban nhân dân xem xét, quyết định và tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, đảm bảo để cuộc bầu cử ở địa phương diễn ra đúng tiến độ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước cấp trên.

IV. TỔ CHỨC CUỘC BẦU CỬ VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO NGÀY BẦU CỬ

Để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, đúng luật và tiết kiệm, ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, chính quyền các cấp và các Bộ, ngành cần tập trung chỉ đạo tốt các công việc sau:

- Tổ chức tuyên truyền, cổ động rộng rãi cho ngày bầu cử, tạo không khí hồ hởi, phấn khởi, thể hiện được ngày bầu cử là ngày hội thực hiện quyền dân chủ về chính trị của công dân.

- Xây dựng phương án bảo vệ trật tự, an ninh và khắc phục những sự cố thiên tai, hoả hoạn có thể xảy ra trong ngày bỏ phiếu, tại phòng bỏ phiếu; đặc biệt là ở những nơi đang có vấn đề vướng mắc, đảm bảo để ngày bầu cử không bị gián đoạn và đạt kết quả tốt.

[...]