Hướng dẫn 1009/HD-SNN về quản lý và sử dụng lợn đực giống, bò đực giống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 1009/HD-SNN
Ngày ban hành 16/10/2007
Ngày có hiệu lực 16/10/2007
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Văn Tuân
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1009/HD-SNN

Đồng Hới, ngày 16 tháng 10 năm 2007

 

HƯỚNG DẪN

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỢN ĐỰC GIỐNG, BÒ ĐỰC GIỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi (số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Quyết định số 07/2005/QĐ-BNN ngày 31/01/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy định về quản lý và sử dụng lợn đực giống;
Căn cứ Quyết định số 66/2005/QĐ-BNN ngày 31/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy định về quản lý và sử dụng bò đực giống;
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đàn bò, đàn lợn của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Hướng dẫn quản lý và sử dụng lợn đực giống, bò đực giống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như sau:

Phần 1.

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỢN ĐỰC GIỐNG

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quy định này áp dụng đối với tất cả các tổ chức, cá nhân nuôi lợn đực giống để sản xuất tinh sử dụng trong thụ tinh nhân tạo hoặc để phối giống trực tiếp (sau đây gọi là người nuôi lợn đực giống) ở các cơ sở nuôi lợn đực giống do tỉnh, huyện, thành phố quản lý.

2. Người nuôi lợn đực giống phải tuân thủ các quy định trong Pháp lệnh giống vật nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

3. Các thuật ngữ dùng trong Quy định này được hiểu như sau:

- Cơ sở nuôi lợn đực giống là nơi nuôi lợn đực để phối giống trực tiếp hoặc để sản xuất tinh sử dụng thụ tinh nhân tạo lợn, bao gồm:

+ Trung tâm Giống vật nuôi, các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và trang trại chăn nuôi;

+ Trạm thụ tinh nhân tạo lợn;

+ Hộ chăn nuôi gia đình.

- Chứng chỉ chất lượng lợn đực giống là văn bản của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp chứng nhận phẩm cấp giống đối với lợn đực giống theo các tiêu chuẩn quy định hiện hành.

II. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LỢN ĐỰC GIỐNG ĐỂ THỤ TINH NHÂN TẠO

1. Cơ sở nuôi lợn đực giống để sản xuất tinh sử dụng cho thụ tinh nhân tạo phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

1.1. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lợn đực giống để thụ tinh nhân tạo với UBND cấp xã, phường (trừ các cơ sở, doanh nghiệp do tỉnh quản lý).

1.2. Có địa điểm nuôi lợn đực giống phù hợp với quy hoạch của địa phương. Chuồng trại phải bảo đảm vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về thú y và pháp luật về bảo vệ môi trường. Diện tích chuồng tối thiểu 5 m2/con đối với lợn nội, 6 m2/con đối với lợn ngoại.

1.3. Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên và được đào tạo, cấp chứng chỉ về kỹ thuật khai thác, pha chế, bảo quản và vận chuyển tinh dịch.

1.4. Có đủ thiết bị và dụng cụ sản xuất tinh dịch lợn được quy định tại Phụ lục I;

1.5. Có sổ theo dõi chất lượng tinh dịch, lịch lấy tinh, phiếu phân phối tinh dịch lợn được quy định tại các Phụ lục II, IV, V.

1.6. Lợn đực nuôi để sản xuất tinh sử dụng trong thụ tinh nhân tạo là lợn đực đã được kiểm tra năng suất cá thể và phải đạt yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm tra năng suất cá thể. Lợn đực giống phải có lý lịch rõ ràng, kèm theo phiếu kiểm dịch thú y, chứng chỉ chất lượng giống do cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp có thẩm quyền cấp. Mỗi lợn đực giống đều được đánh số và vào sổ theo dõi.

1.7. Số lượng lợn đực giống trong một cơ sở thụ tinh nhân tạo không ít hơn 4 con và trong các cơ sở khác (Trung tâm Giống vật nuôi, các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trang trại chăn nuôi, hộ chăn nuôi gia đình) phải phù hợp với quy mô đàn lợn nái.

2. Trong thời gian sản xuất tinh, lợn đực giống phải được theo dõi và kiểm tra định kỳ mỗi tháng một lần các chỉ tiêu sức đề kháng của tinh trùng (R), tỷ lệ tinh trùng kỳ hình (K). Mỗi lần khai thác tinh phải kiểm tra các chỉ tiêu: màu sắc, mùi, lượng xuất tinh đã lọc (V), hoạt lực của tinh trùng (A), nồng độ tinh trùng (C). Kết quả kiểm tra chất lượng tinh dịch phải được ghi chép đầy đủ, chính xác vào sổ theo dõi theo quy định.

3. Việc sản xuất, pha chế, kiểm tra chất lượng, bảo tồn, phân phối, vận chuyển và vệ sinh thú y tinh dịch lợn phải tuân thủ theo các quy định do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành. Các lọ đựng tinh phải được gắn nhãn, trên đó ghi rõ tên và số hiệu lợn đực giống; khối lượng tinh dịch; tên cơ sở sản xuất; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu và thời hạn sử dụng.

4. Số lần khai thác tinh không quá hai lần/tuần đối với lợn đực giống dưới hai năm tuổi, không quá ba lần/tuần đối với lợn đực giống trên hai năm tuổi. Tuổi bắt đầu khai thác tinh của lợn đực giống không ít hơn tám tháng tuổi đối với lợn nội, mười tháng tuổi đối với lợn ngoại. Tuổi sử dụng không quá 4 năm.

5. Lợn đực giống phải được tiêm phòng định kỳ và đột xuất vacxin phòng bệnh, kiểm tra huyết thanh một số bệnh truyền nhiễm (Lỡ mồm long móng, Dịch tả, Tụ huyết trùng) theo quy định của thú y, phí tổn do người chăn nuôi đực giống chi trả. Nghiêm cấm khai thác tinh, lưu hành và sử dụng tinh dịch lợn đực giống đang bị bệnh.

6. Người nuôi lợn đực giống phải thực hiện nghiêm túc việc bình tuyển, giám định lợn giống hàng năm theo các tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp đã ban hành. Nếu lợn đực không đạt tiêu chuẩn giống, người nuôi lợn đực giống phải dừng ngay việc khai thác tinh dịch lợn để loại thải kịp thời theo kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ chất lượng lợn đực giống.

[...]