Hướng dẫn 06-HD/UBKTTW năm 2012 thực hiện Quy chế giám sát trong Đảng do Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ban hành

Số hiệu 06-HD/UBKTTW
Ngày ban hành 20/06/2012
Ngày có hiệu lực 20/06/2012
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ủy ban kiểm tra trung ương
Người ký Ngô Văn Dụ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ỦY BAN KIỂM TRA
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 06-HD/UBKTTW

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN QUY CHẾ GIÁM SÁT TRONG ĐẢNG

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khoá XI ban hành kèm theo Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khóa XI;

- Căn cứ Quy chế giám sát trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW, ngày 21-3-2012 của Bộ Chính trị;

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát trong Đảng, như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định việc giám sát trong Đảng.

Điều 2. Mục đích giám sát

1- Chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý; đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần bổ sung, sửa đổi các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn.

2- Phát huy ưu điểm; phát hiện hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục; cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên từ khi còn manh nha.

3- Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.

Điều 3. Nguyên tắc giám sát

1- Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ đảng lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng.

2- Cấp uỷ, tổ chức đảng cấp trên giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên. Đảng viên thực hiện việc giám sát theo sự phân công của tổ chức đảng có thẩm quyền.

3- Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự giám sát của Đảng.

4- Việc giám sát phải dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc và quy định của Điều lệ Đảng.

Điều 4. Chế độ giám sát

Các chủ thể giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện giám sát như sau:

1- Lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát.

a) Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp; ban thường vụ cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên (gọi chung và cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy) và chi bộ đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng và đảng viên thuộc phạn vi lãnh đạo, quản lý thực hiện công tác giám sát.

- Triển khai, quán triệt Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của cấp ủy cấp trên và cấp mình về công tác giám sát.

- Xây dựng và chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp và cấp ủy thuộc phạm vi quản lý xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, phân công cấp ủy viên, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy cùng cấp thực hiện công tác giám sát; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cấp ủy cấp dưới thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát.

- Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để các tổ chức đảng thực hiện nhiệm vụ giám sát và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhân dân tham gia giám sát.

- Ban hành quy định phối hợp thực hiện công tác giám sát giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy hoặc với các tổ chức có liên quan.

[...]