Hướng dẫn 04-HD/VPTW năm 1998 quy trình văn phòng tỉnh, thành ủy phục vụ hội nghị của cấp ủy do Văn phòng Ban Chấp hành trung ương ban hành

Số hiệu 04-HD/VPTW
Ngày ban hành 06/02/1998
Ngày có hiệu lực 06/02/1998
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Ngô Văn Dụ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
VĂN PHÒNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 04-HD/VPTW

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 1998

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH VĂN PHÒNG TỈNH, THÀNH ỦY PHỤC VỤ HỘI NGHỊ CẤP ỦY ([1])

Hội nghị cấp ủy là hoạt động thường xuyên và văn phòng cấp ủy phải phục vụ. Vì vậy, cần thống nhất quy trình phục vụ, xây dựng một chế độ làm việc khoa học, nền nếp, nhằm tạo điều kiện để cấp ủy nâng cao hiệu quả các cuộc họp, góp phần đổi mới hoạt động của văn phòng tương ứng với đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy.

Thực hiện kết luận Hội nghị Chánh văn phòng toàn quốc tháng 10-1996, Văn phòng Trung ương hướng dẫn quy trình phục vụ các hội nghị của cấp ủy như sau:

I- Công tác chuẩn bị hội nghị.

Dưới sự chỉ đạo của thường trực cấp ủy, văn phòng và các cơ quan tham mưu phải đảm bảo thực hiện tốt các khâu chuẩn bị để hội nghị cấp ủy đạt hiệu quả cao.

1- Xác định nội dung hội nghị và phân công chuẩn bị đề án.

Sau khi được cấp ủy thông qua nội dung những vấn đề sẽ bàn và quyết định trong hội nghị, văn phòng kiến nghị với thường vụ hoặc thường trực việc phân công chuẩn bị đề án theo hướng:

- Xác định người chủ trì, cơ quan chủ đề án và các cơ quan tham gia.

- Giao cơ quan chủ đề án:

+ Chuẩn bị báo cáo chính sẽ trình bày tại cuộc họp:

* Báo cáo tổng quan.

* Tờ trình.

* Dự thảo nghị quyết (nếu có).

+ Chủ trì tổ chức các cuộc hội thảo hoặc hội nghị để thảo luận hoặc lấy ý kiến về những nội dung mà cấp ủy sẽ quyết định.

2- Đôn đốc việc xây dựng đề án và thẩm định đề án.

- Sau khi cấp ủy phân công chuẩn bị nội dung hội nghị, văn phòng có nhiệm vụ theo dõi đôn đốc việc chuẩn bị và kết hợp thẩm định đề án, chủ yếu về yêu cầu, phạm vi, quy trình, tiến độ và thể thức văn bản.

Riêng việc thẩm định nội dung đề án, tùy vấn đề và khả năng, điều kiện của mình, văn phòng cấp ủy có thể phát biểu ý kiến riêng với cấp ủy hoặc thường vụ cấp ủy.

- Lập phiếu thẩm định, thu hồi và tổng hợp nội dung đã thẩm định.

3- Thông tin phục vụ nội dung hội nghị.

Trong quá trình chuẩn bị và nhất là gần thời gian tổ chức hội nghị, văn phòng cấp ủy cùng cơ quan chủ đề án, cơ quan tham gia đề án cung cấp thông tin mang tính tổng hợp - chuyên đề cho các thành viên dự họp về những nội dung có liên quan:

- Tình hình, thực trạng của địa phương.

- Những mô hình, cách làm của các tỉnh, thành bạn.

- Những chủ trương của Trung ương...

- Kinh nghiệm nước ngoài.

- Những ý kiến khác nhau, lập luận và cơ sở của mỗi loại ý kiến.

- Tổ chức để cấp ủy đi khảo sát, nghiên cứu trực tiếp hoặc mời các ngành, cơ sở, chuyên gia... báo cáo.

4- Lập chương trình và triệu tập hội nghị.

[...]