Hướng dẫn 03/HDLS-GTVT-TC-KH&ĐT năm 2013 thực hiện Quyết định 28/2013/QĐ-UBND Quy định về đầu tư xây dựng đường giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 03/HDLS-GTVT-TC-KH&ĐT
Ngày ban hành 30/09/2013
Ngày có hiệu lực 30/09/2013
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Nông Văn Hưng,Nguyễn Trọng Hài,Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Đầu tư,Giao thông - Vận tải

UBND TỈNH LÀO CAI
LIÊN SỞ GTVT-TC-KH&ĐT
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 03/HDLS-GTVT-TC-KH&ĐT

Lào Cai, ngày 30 tháng 9 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 28/2013/QĐ-UBND NGÀY 30/7/2013 CỦA UBND TỈNH LÀO CAI VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI.

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ GTVT "V/v ban hành hướng dẫn lựa chọn qui mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh Lào Cai Ban hành Quy định về đầu tư xây dựng đường giao thông liên thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai;

Liên Sở: Sở Giao thông vận tải-Sở Tài chính-Sở Kế hoạch & Đầu tư Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 28 /2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh Lào Cai cụ thể như sau:

I. Kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT):

1. Đăng ký danh mục xây dựng các tuyến đường:

- Ưu tiên đầu tư các tuyến đường đến thôn bản, đường liên thôn bản; các tuyến đường đi qua nhiều thôn bản, các vùng đông dân cư, các tuyến đường thiết yếu cho việc vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo. Cần ưu tiên đầu tư bê tông hóa một số tuyến đường trục quan trọng, đường liên thôn thiết yếu của xã. Các tuyến đường trục thôn, đường nội đồng, các tuyến đường liên thôn là đường đất, đường ngõ, xóm sẽ thực hiện rải cấp phối móng mặt đường chống trơn lầy. Các tuyến còn là đường đất, nên làm đường cấp phối để tạo một lớp móng đường chống trơn lầy và tạo độ chặt chẽ của móng đường sau một thời gian sử dụng, khai thác. Khi móng đường đã ổn định, lúc đó mới làm mặt đường bê tông, sẽ hiệu quả hơn.

- Các tuyến đường được chọn: Dễ làm trước, khó làm sau.

2. Trình tự lập, phân bổ kế hoạch:

Quy trình lập kế hoạch thực hiện theo quy định Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT, Bộ KH & ĐT, Bộ Tài Chính và Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 của UBND tỉnh và các văn bản điều chỉnh, bổ sung (nếu có), trong đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xã, các chủ đầu tư cần lưu ý thực hiện một số bước cụ thể:

Bước 1: Các xã hướng dẫn thôn, bản tiến hành họp bàn với dân để thống nhất lựa chọn cụ thể danh mục đường giao thông thực hiện trong năm, đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các yêu cầu ưu tiên đầu tư, theo cơ chế quy định tại Quyết định số 28 /2013/QĐ-UBND. Các thôn tổng hợp danh mục đề nghị đầu tư, gửi UBND xã (biểu mẫu 01đính kèm hướng dẫn này);

Bước 2: UBND xã chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát tổng hợp danh mục của các thôn trình UBND huyện, thành phố (biểu mẫu 01đính kèm hướng dẫn này);

Bước 3: UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát và tổng hợp đăng ký kế hoạch xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, thành phố (theo biểu mẫu 01đính kèm hướng dẫn này) gửi Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài Chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bước 4: Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát tổng hợp nhu cầu xây dựng đường GTNT toàn tỉnh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Bước 5: Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, cân đối các nguồn vốn thực hiện, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định giao kế hoạch vốn cho các huyện, thành phố;

Bước 6: Căn cứ kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao, UBND các huyện, thành phố giao kế hoạch cho các chủ đầu tư để triển khai thực hiện. Chủ đầu tư chủ động đăng ký và hợp đồng nhu cầu cung cấp xi măng (nếu làm đường bê tông) với đơn vị cung ứng theo kế hoạch tiến độ của mình để đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao trong năm;

Bước 7: Tiếp nhận, quản lý, sử dụng và chế độ báo cáo lượng xi măng được cung ứng cụ thể như sau:

- Đơn vị cung ứng xi măng có trách nhiệm: Vận chuyển xi măng từ nhà máy sản xuất xi măng đến đến địa điểm tập kết của tuyến đường (mà ô tô vào được) theo nhu cầu đăng ký và hợp đồng của các xã đảm bảo về mặt thời gian, khối lượng và chất lượng sản phẩm; báo cáo công khai định kỳ trước ngày 25 hàng tháng về tình hình cung ứng xi măng với Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới.

- Phần vận chuyển còn lại (ô tô không đến được) các xã có trách nhiệm huy động nhân dân tự vận chuyển, không sử dụng kinh phí hỗ trợ.

- Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Quản lý đô thị có trách nhiệm: Hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch đăng ký và hợp đồng nhu cầu xi măng, bố trí nhân lực tiếp nhận, quản lý, sử dụng xi măng; tổ chức theo dõi, giám sát việc sử dụng xi măng đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu.

3. Nguồn vốn bố trí:

Vốn vay tín dụng ưu đãi; Vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương; Vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia; Ngân sách địa phương (các cấp tỉnh, huyện, xã); nguồn do Doanh nghiệp ủng hộ và các nguồn vốn hợp pháp khác.

II. Nội dung chủ yếu trong thi công nâng cấp đường giao thông nông thôn

1. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đường GTNT:

- Tập trung ưu tiên thực hiện trước đối với các tuyến đường từ xã đến các thôn, đường liên thôn.

- Đường từ xã đến các thôn, đường liên thôn, đường trục thôn đăng ký làm mặt đường bê tông là đường có chiều rộng nền đường là Bn=4,0m trở lên. Đường nội đồng có chiều rộng nền đường là Bn=3,0m trở lên.

[...]